Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2016 – 2021, cả nước có hơn 4 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần, bình quân mỗi năm có gần 700 nghìn người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.
Hiện tại, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang đưa ra 2 phương án về BHXH một lần của người lao động, trong đó phương án 1 giữ nguyên như quy định hiện hành của Luật BHXH 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội;
Phương án 2 quy định: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Với phương án 2, đại diện công đoàn đề xuất cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bởi việc điều chỉnh này rất nhạy cảm do liên quan đến quyền lợi người lao động.
Theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi, sự thay đổi của phương án 2 theo hướng nếu người lao động có yêu cầu thì vẫn được giải quyết một phần (tối đa 50%), phần còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, theo phản ánh của công đoàn cơ sở, người lao động rút BHXH 1 lần vì nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu cấp bách của một bộ phận người lao động mất việc làm, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo duy trì cuộc sống. Tình trạng “bán non sổ BHXH” cũng xuất phát từ quy định trên.
Vì vậy, phía công đoàn đề xuất xem xét để giảm điều kiện về thời gian từ 12 tháng xuống mức khoảng 3 tháng.