Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhằm khắc phục các hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành luật và bảo đảm hài hòa hơn lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghị quyết số 28-NQ/TW về xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng; Bảo hiểm xã hội cơ bản; Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường.
Liên quan đến việc xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội thông qua việc sửa đổi bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội và quy định kết hợp giữa trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Do vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội với các quy định: Công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Đồng thời, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm bắt buộc và tự nguyện) chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Dự thảo quy định, đối với trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo do các địa phương thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi, trợ cấp hàng tháng do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ, phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo các chuyên gia lao động, với đề xuất này, trợ cấp xã hội hàng tháng hiện nay theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP sẽ đổi tên trợ cấp hưu trí xã hội áp dụng với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, không có lượng hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; đồng thời “khoảng trống” từ 60 tuổi đến 80 tuổi sẽ được trợ cấp xã hội hàng tháng với điều kiện đã tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện nhưng chưa đủ điều kiện hưởng. Điểm đáng lưu ý là trợ cấp xã hội hàng tháng này sẽ có BHYT.
theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2021, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng sẽ được hưởng trợ cấp xã hội là 360.000 đồng/tháng (tăng 90.000 đồng/tháng so với quy định cũ tại điểm l khoản 1 Điều 6 Nghị định 136/2013/NĐ-CP).