Nợ BHXH gia tăng
Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Đô cho biết, đến đầu tháng 12/2022, có khoảng 108.000 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, trong đó nhiều nhất là giảm giờ làm, giãn việc không làm thêm giờ; khoảng 6.000 người mất việc. Đáng chú ý, trong số lao động bị ảnh hưởng việc làm, có khoảng 40.000 lao động trên 35 tuổi, lao động đang mang thai nuôi con nhỏ khoảng 8.000 người.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, các doanh nghiệp có thể tiếp tục khó khăn trong quý 1 và quý 2/2023, dẫn đến nhiều lao động bị ảnh hưởng thiếu việc làm, giảm thu nhập. “Với tình thế khó khăn này, hiện có khoảng 59% doanh nghiệp khảo sát nợ BHXH. Đồng thời, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ gia tăng, quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, nhất là chế độ cho các lao động yếu thế, lao động mang thai, nuôi con nhỏ”, ông Nguyễn Thành Đô thông tin.
Là một trong những địa phương có đông lao động bị ảnh hưởng, ông Đặng Tấn Đạt, Trưởng ban Chính sách, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, thống kê đến nay, toàn tỉnh có khoảng 240.000 lao động giảm giờ làm, số lao động đang tạm hoãn hợp đồng khoảng 30.000 người. Theo ông Đạt, với số lao động đang tạm hoãn hợp đồng này thực sự rất khó khăn, bởi trước mắt có thể tạm hoãn 3 – 4 tháng, nhưng dự báo sang năm 2023, số lao động bị tạm hoãn hợp đồng có thể nhiều hơn do việc đứt gãy các chuỗi cung ứng.
Do đó, ông Đạt cho rằng, cần chính sách hỗ trợ trước mắt nhưng về căn cơ lâu dài vẫn là đảm bảo việc làm có thu nhập cho người lao động. Đồng thời, có chính giảm giãn, hoãn đóng BHXH cho doanh nghiệp khó khăn.
Tại Đồng Nai, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh cũng thông tin, việc thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp dệt may, gia dày, chế biến gỗ. Dự báo quý 1, quý 2/2023 tình trạng thiếu đơn hàng sẽ còn tiếp diễn. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 187 doanh nghiệp phải giảm giờ làm và khó khăn về đơn hàng, dẫn đến hơn 62.700 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm; khoảng 5.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động.
Tuyên truyền hạn chế rút BHXH một lần
Theo Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, trong 11 tháng đầu năm 2022, có 99.615 người nhận bảo hiểm xã hội một lần với số tiền được chi trả hơn 6.610 tỉ đồng. Con số này tăng nhel so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2021 có 99.155 người nhận bảo hiểm xã hội một lần với số tiền được chi trả là hơn 6.120 tỉ đồng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, một bộ phận người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập nên đã quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần.
Theo ông Huân, nguyên nhân thứ hai dẫn đến thực trạng trên là vì người lao động chưa hiểu rõ vai trò, tác dụng của các chính sách BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí. Vì vậy, rất nhiều người lao động không thấy được lợi ích của việc tham gia Bảo hiểm xã hội về lâu dài, cũng như tác hại của rút Bảo hiểm xã hội một lần.
Tiếp nữa, các chế độ, chính sách về Bảo hiểm xã hội nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung cũng còn những bất cập, chưa đảm bảo tính hấp dẫn, linh hoạt.
Ông Phạm Minh Huân cho rằng, tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong bối cảnh tốc độ bao phủ bảo hiểm xã hội chậm còn có thể dẫn đến nguy cơ mất thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ cấp hỗ trợ cho người già sau này.
Ông Phạm Minh Huân cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, cần điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội phù hợp với yêu cầu thực tiễn giúp người lao động an tâm đóng bảo hiểm xã hội.
Cề việc người dân rút bảo hiểm xã hội một lần, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi toàn bộ thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó của người lao động không được bảo lưu. Đồng thời, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.