Về vấn đề này báo Tin tức thông tin như sau:
Với triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng, nhiều người lao động là F0 vẫn có thể tiếp tục làm việc trực tuyến tại nhà theo yêu cầu của đơn vị, doanh nghiệp.
Trường hợp bị mắc COVID-19 khiến sức khỏe bị suy giảm, người lao động cần phải nghỉ ngơi để điều trị. Lúc này, những người lao động có tham gia BHXH sẽ được xem xét giải quyết hưởng chế độ ốm đau.
Theo Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động đang tham gia BHXH được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đồng thời 3 điều kiện sau: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động mà phải nghỉ việc; Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền; Không thuộc trường hợp ốm đau, tai nạn do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma túy, tiền chất ma túy.
Theo quy định trên, người lao động phải nghỉ làm vì lý do bị ốm đau thì mới được hưởng chế độ BHXH. Do đó, nếu F0 vẫn đủ sức khỏe để làm việc trực tuyến và nhận đủ lương từ phía doanh nghiệp thì sẽ không được quỹ BHXH thanh toán tiền ốm đau.
Việc không giải quyết BHXH cho người lao động là F0 có đủ sức khỏe để làm việc bởi khoản 1 Điều 3 Luật BHXH đã nêu rõ, bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,...
Trường hợp bạn hỏi về F0 vẫn nhận lương và khai báo cả nhận tiền BHXH là sai quy định. Người lao động là F0 phải nghỉ làm khi điều trị COVID-19 thì mới được thanh toán tiền BHXH và sẽ không được hưởng tiền lương từ phía doanh nghiệp.
Do đó, vấn đề bạn hỏi về trường hợp người lao động là F0 vẫn làm việc và nhận đủ lương nhưng kê khai thông tin không đúng sự thật để hưởng BHXH, cả người lao động và doanh nghiệp đều sẽ bị xử phạt theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Cụ thể như sau: Người lao động kê khai không đúng sự thật những nội dung có liên quan đến hưởng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt 1 - 2 triệu đồng (Điểm a khoản 1 Điều 40).
Người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội để trục lợi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt 10 - 20 triệu đồng/hồ sơ vi phạm nhưng tối đa là 75 triệu đồng (Khoản 2 Điều 40)
Đồng thời, người lao động buộc nộp lại số tiền bảo hiểm xã hội đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm (Khoản 3 Điều 40).
Về các khoản hỗ trợ khác phụ thuộc nhiều vào nguồn lực của đơn vị, doanh nghiệp bạn công tác. Để hỗ trợ người lao động bị F0 có thêm thu nhập để mua thuốc và bồi bổ, nhiều doanh nghiệp vẫn trả đủ tiền lương theo thỏa thuận.
Đây được xem là một khoản phúc lợi hợp pháp mà pháp luật luôn khuyến khích doanh nghiệp thực hiện để người lao động có thêm nhiều quyền lợi. Điều này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 4 Bộ luật Lao động như sau: Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
Do đó, nếu bạn là F0 nhưng vẫn làm việc mà được trả lương thì không được hưởng chế độ ốm đau từ BHXH. Nếu khai để nhận cả lương lẫn trợ cấp ốm đau từ BHXH là sai với quy định Luật BHXH.