Theo dự thảo, đối tượng áp dụng gồm: Các đối tượng quy định tại các điểm a, b và điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP hưởng lương hưu trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/2022; các đối tượng quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP nghỉ hưởng trước ngày 1/1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng (tham khảo tại đây).
Dự thảo cũng quy định, từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của các đối tượng quy định tại Khoản 1 được tăng thêm 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021.
Cụ thể, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ tháng 1/2022 bằng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng 12/2021 nhân 1,074.
Từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của các đối tượng quy định tại Khoản 2 cũng được điều chỉnh. Trong đó, đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống thì mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh bằng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước điều chỉnh cộng 200.000/tháng.
Đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ trên 2,3 triệu đồng/người/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh bằng 2,5 triệu đồng/tháng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm triển khai thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư.
Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân có trách nhiệm triển khai việc điều chỉnh trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Thông tư đối với đối tượng thuộc diện quản lý.