Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thực hiện chia sẻ, rà soát thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Tính đến nay, hệ thống đã xác thực khoảng 40 triệu thông tin nhân khẩu (trong đó lượt xác thực khi đăng ký tài khoản giao dịch điện tử BHXH là khoảng 10 lượt) có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 21 triệu bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.
Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNEID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy để khám chữa bệnh (KCB) BHYT theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 11/02/2022, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an (trực tiếp là Cục C06) thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư qua số chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ (lấy) số CCCD từ CSDL quốc gia về dân cư sang CSDL của BHXH. Tính đến nay, số lượng xác thực lấy số CCCD là khoảng 48 triệu trường hợp, số xác thực thành công là khoảng 32 triệu.
Ngày 28/02/2022, Bộ Y tế có Công văn số 931/BYT-BH gửi các Sở Y tế và các cơ sở KCB trên toàn quốc về việc triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp. Ngày 01/03/2022, BHXH Việt Nam cũng đã có Công văn số 533/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai nội dung này.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện đã có 40 triệu người tham gia BHYT được kết nối dữ liệu, có thể sử dụng thẻ căn cước công dân hoặc ứng dụng VSSID-Bảo hiểm xã hội số để khám chữa bệnh. Hiện có hơn 4.000 cơ sở khám chữa bệnh chấp nhận người dân sử dụng thẻ căn cước công dân hoặc ứng dụng VSSID trong khám chữa bệnh. Theo thống kê có khoảng 40 nghìn lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp.
“BHXH không giới hạn bệnh viện nào được thí điểm, bệnh viện nào không. Có nghĩa là ở đâu đang sử dụng được thẻ BHYT, sử dụng VSSID khám, chữa bệnh cũng có thể sử dụng căn cước công dân có gắn chip để đi khám, chữa bệnh, với điều kiện mã định danh hoặc thể căn cước ấy đã được đồng bộ dữ liệu với cơ quan bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp người dân không sử dụng căn cước để đi khám, chữa bệnh được do khi quét thẻ căn cước không ra thông tin là do cơ sở dữ liệu của BHXH đang chưa có mã số. Những đối tượng đã có thông tin và đồng bộ dữ liệu được xác thực sẽ được đi khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân”, ông Phương cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng cho thấy có rất ít cơ sở y tế triển khai, khi đi khám bệnh người dân vẫn phải sử dụng thẻ BHYT, thậm chí có những tấm thẻ BHYT bằng giấy đã cũ nát, có thể rách bất cứ lúc nào. Nhiều cơ sở y tế vẫn yêu cầu người đến khám xuất trình thẻ BHYT giấy để đối chiếu.
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, để dùng CCCD có gắn chip thay thế thẻ BHYT, bên cạnh đồng bộ dữ liệu còn phụ thuộc vào thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin tại tuyến cơ sở khám chữa bệnh có chấp nhận việc quét dữ liệu thẻ CCCD có gắn chip hay không, việc này đòi hỏi cần có thời gian và sự quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin từ cơ sở y tế và cả cơ chế vận hành.