Góp ý về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, đại diện Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, theo quy định, thợ lò được nghỉ hưu trước 10 năm so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, số năm đóng BHXH tối thiểu hưởng lương hưu không được giảm. Áp công thức tính, muốn hưởng lương hưu với tỷ lệ tối đa 75%, các thợ lò phải đi làm từ năm 16 tuổi.
"Thực tế, một thợ lò phải trải qua quá trình đào tạo tương đối dài, không thể đi làm độ tuổi đó. Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất giảm 3 năm đóng bảo hiểm xã hội để lương hưu với người lao động làm công việc này. Như vậy, họ sẽ không bị trừ % tỷ lệ hưởng lương hưu khi hết thời gian lao động", đại diện Công đoàn Thanh - Khoáng sản Việt Nam đề xuất.
Còn đại diện Công đoàn Hàng hải Việt Nam cho biết, theo quy định, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong khi, ngành hàng hải có những đặc thù, 1 năm được nghỉ 3 tháng theo quy định của pháp luật. Sau khi tốt nghiệp 4 năm trường hàng hải, người lao động bắt đầu đi làm ở tuổi 22. Công việc được quy định là ngành nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Như vậy, đến 57 tuổi họ đã nghỉ hưu.
Trong 1 năm, thuyền viên làm việc 9 tháng, sẽ nghỉ bù 3 tháng. Như vậy, trong 1 năm chỉ có tổng số 9 tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Đại diện Công đoàn Hàng hải Việt Nam cho biết, theo quy định luật hiện hành, 20 năm đóng bảo hiểm xã hội người lao động được hưởng tỷ lệ lương hưu 45%, đóng thêm mỗi năm được thêm 2%. Như vậy, mỗi thủy thủ tối đa cũng chỉ hưởng mức lương hưu 58%.
Thủy thủ đến tuổi nghỉ hưu có tỷ lệ hưởng lương, theo đó, thấp hơn 17% so với người làm việc trên bờ (nam nghỉ hưu ở tuổi 62 và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội 35 năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%). Như vậy, thiệt thòi cho các thuyền viên, đặc biệt là thuyền viên quốc tế.
Do đó, đại diện Công đoàn Hàng Hải Việt Nam cũng đề xuất, nghề thuyền viên nên cho phép đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội là được hưởng lương hưu với tỷ lệ là 45%.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trường hợp nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Người lao động nghỉ việc không hưởng tiền lương, không phải đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, khi hai bên có thỏa thuận khác, khi hai bên muốn đóng vẫn có thể đóng bảo hiểm xã hội", ông Nguyễn Duy Cường cho biết.