Phối hợp thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về BHXH

Hướng tới mục tiêu thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Bảo hiểm xã hội Hà Nội triển khai Chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2028.

Chú thích ảnh
Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Theo đó, hai đơn vị sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thực hiện các biện pháp bảo đảm chế độ, chính sách của người lao động. Đặc biệt, hai cơ quan phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm quy định của pháp luật. 

Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm Xã hội Hà Nội phối hợp xem xét, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý đối với những đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh nhấn mạnh vai trò của bảo hiểm xã hội trong đảm bảo quyền lợi cốt lõi của người lao động; đồng thời, đề nghị bộ phận tham mưu 2 cơ quan đưa ra các giải pháp cụ thể khắc phục cơ bản những tồn tại hạn chế, thực hiện hiệu quả các nội dung phối hợp trong tham mưu xây dựng hành lang pháp lý. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là đối với lao động tại các đơn vị có hành vi chậm đóng, trốn đóng, gian lận bảo hiểm xã hội.

Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội Vũ Đức Thuật, triển khai Chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2022, hàng năm, hai cơ quan đều cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra liên ngành thành phố, thanh tra tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, cố tình nợ. Cụ thể, trong 5 năm qua, hai đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội tại 19.3 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; thu hồi 2.857 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội (đạt 67,3%); yêu cầu thu hồi về Quỹ Bảo hiểm xã hội trên 1,1 tỷ đồng do phát hiện người hưởng sai chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; yêu cầu đóng, truy đóng cho 12.205 lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội  bắt buộc nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm Xã hội Hà Nội đã thực hiện, giám sát các gói hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 đảm bảo kịp thời, đúng quy định, không bỏ sót đối tượng đủ tiêu chuẩn thụ hưởng.

Linh Khánh (TTXVN)
Rút bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động mất nhiều quyền lợi
Rút bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động mất nhiều quyền lợi

Khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Đó là: người lao động không còn trong hệ thống bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già số tiền nhận về thấp hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN