Việc phát triển đổi tượng tham gia BHXH, BHYT cũng như việc chi trả các chế độ liên quan đến BHXH được BHXH tỉnh triển khai như thế nào thưa ông?
Trong bối cảnh với những cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, BHXH tỉnh Quảng Nam phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN và đạt nhiều kết quả tích cực.
Về phát triển người tham gia BHXH, 7 tháng đầu năm 2023, số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 210.754 người, trong đó có 190.975 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 92,87% kế hoạch giao; 19.779 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 74,42% kế hoạch giao; có 177.158 người tham gia BHTN, đạt 92.40% kế hoạch giao; có 1.473.435 người tham gia BHYT, tăng 13.833 người so cuối năm 2022, đạt 100.07% kế hoạch giao.
Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn Tỉnh đạt 96,55%. Công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được thực hiện kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Về số thu các loại hình bảo hiểm, 7 tháng đầu năm, BHXH tỉnh thu được hơn 2.723 tỷ đồng, đạt 52,19% kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao, tăng 9,21% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT đến hết tháng 7/2023 là 303,418 tỷ đồng, chiếm 5,81% số phải thu.
Đặc biệt, một trong những điểm sáng của BHXH tỉnh Quảng Nam là giải quyết các chế độ BHXH, BHTN cho các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Nhờ đó, 7 tháng đầu năm 2023, BHXH tỉnh đã chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 35.653 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; 123.335 lượt người hưởng chế độ BHXH ngắn hạn; BHXH một lần 11.3 người; 7.766 người hưởng trợ cấp BHTN.
Tổng số chi BHXH, BHTN là hơn 1.602,4 tỷ đồng, trong đó chi BHXH nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo gần 211 tỷ đồng, chi từ nguồn Quỹ BHXH là hơn 1.293,3 tỷ đồng, chi BHTN là hơn 98,1 tỷ đồng.
Việc chi trả chế độ BHXH, BHTN trên địa bàn được cơ quan BHXH Quảng Nam triển khai thực hiện đa dạng, linh hoạt, đặc biệt là đẩy mạnh phương thức chi trả không dùng tiền mặt. Tính đến hết tháng 7/2023 có 55,82% người nhận các chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt 101,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Người hưởng chế độ BHXH, BHTN hài lòng về cách thức tổ chức chi trả, thời gian, cơ sở vật chất và thái độ phục vụ.
Trong 7 tháng qua, số người tham gia BHXH, BHTN giảm so với cuối năm 2022; số tiền chậm đóng quý II cao hơn tỷ lệ BHXH Việt Nam giao 1,02% (4,95/3,93). Chi phí khám chữa bệnh BHYT gia tăng mạnh (tăng 23,45% về số lượt và 28,93% về chí phí) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh doanh nghiệp chịu tác động do thiếu đơn hàng, ông đánh giá thế nào trong việc phát triển đối tượng thời gian tới? Liệu tình trạng này có gia tăng nợ BHXH không thưa ông?
Nguyên nhân nợ BHXH, BHYT do doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng cao, đơn hàng giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường bị ảnh hưởng nặng. Đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên nhiều đơn vị cắt giảm lao động, việc trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động chưa kịp thời, để nợ đọng đã ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.
Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật về lao động, BHXH, BHYT ở một số đơn vị sử dụng lao động chưa tốt, tình trạng trốn tránh tham gia BHXH, BHYT cho người lao động hoặc tham gia không đủ số lao động đang làm việc tại đơn vị vẫn còn xảy ra.
Tình hình nhận BHXH 1 lần của người lao động có chiều hướng gia tăng trở lại ở mức cao, 7 tháng đầu năm 2023 tổng số người nhận BHXH 1 lần là 11.3 người, tăng 914 người so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với công tác BHXH tự nguyện, ông Hùng thông tin, đây là hình thức được áp dụng đối với nhóm lao động phi chính thức, lao động tự do nên phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của người tham gia. Tuy nhiên đời sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh.
Một nguyên nhân khác, đối với BHXH tự nguyện, từ tháng 1/2022 mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng hơn gấp đôi do áp dụng mức chuẩn nghèo nông thôn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng (quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ). Vì vậy, công tác phát triển người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Vậy BHXH tỉnh có những giải pháp nào để khắc phục những khó khăn nêu trên trong thời gian tới, thưa ông?
Trong thời gian tới, BHXH tỉnh Quảng Nam tiếp tục tham mưu và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và công tác phối hợp của các ngành, đơn vị, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, trong đó trọng tâm là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm duy trì và phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác hướng dẫn, cài đặt ứng dụng VssID cho người tham gia BHXH, BHYT và tuyên truyền người lao động hạn chế nhận BHXH 1 lần để duy trì tham gia lưới an sinh xã hội.
Đẩy mạnh thực hiện công tác thu, đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động trích nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đầy đủ, kịp thời, nhằm đảm bảo được tiến độ thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định. Tích cực đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng để giảm tỷ lệ tiền chậm đóng tại các đơn vị sử dụng lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định.
BHXH tỉnh sẽ triển khai rà soát, đối chiếu, hoàn chỉnh, phê duyệt việc cập nhật các danh mục của cơ sở khám chữa bệnh theo quy định; thực hiện tốt giám định theo chuyên đề và cảnh báo của Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến nhằm kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh; đồng thời, cảnh báo và chấn chỉnh kịp thời các cơ sở có chi phí khám chữa bệnh gia tăng bất thường.
Ngoài ra, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đề ra, kịp thời ban hành kết luận sau thanh tra, kiểm tra và theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc kết luận đã ban hành. Tăng cường kiểm tra, giám sát các Tổ chức dịch vụ thu và Nhân viên thu đảm bảo hoạt động theo đúng quy định. Tiếp tục thực hiện các giải pháp giám sát sử dụng thẻ BHYT của người bệnh tại các cơ sở y tế, tại nhà, nơi làm việc nhằm kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT...
Xin cám ơn ông!