Đây là chính sách đặc thù nhất trong an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ninh vừa được HĐND tỉnh khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 11 vào đầu tháng 11/2022.
Như vậy, cùng với chính sách chung, sau khi có thêm hỗ trợ của tỉnh, thì người dân Quảng Ninh khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ cụ thể như sau: Người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 50%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 45%; các đối tượng khác được hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng theo từng thời kỳ. Tương ứng, mỗi tháng, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ phải đóng ở các mức 165.000 đồng, 181.000 đồng và 231.000 đồng. Thời gian hỗ trợ sẽ kéo dài 5 năm. Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ theo chính sách của tỉnh trong 5 năm là khoảng 180 tỷ đồng.
Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 631.000 người trong độ tuổi lao động. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến tháng 9/2022, tỉnh Quảng Ninh có hơn 272.000 người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, trong đó bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 251.000 người, tự nguyện là hơn 21.000 người. Như vậy, số còn lại khoảng 369.000 người chủ yếu là chủ cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể, nông dân, người lao động tự do, lao động trong khu vực phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, sẽ không có cơ hội nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Đây sẽ là một gánh nặng cho ngân sách sau này khi phải chi trả chế độ trợ cấp người cao tuổi do không có lương hưu.
Dự tính, trong giai đoạn 2023-2027, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến hết năm 2023 là 30.000 người, đến hết năm 2027 là 60.000 người, bình quân mỗi năm có khoảng 45.400 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nghị quyết hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của tỉnh Quảng Ninh sẽ giúp người lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, nông dân được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và tỉnh. Việc này góp phần tăng tỷ lệ bao phủ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, giảm số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tạo động lực để người dân có thu nhập tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh bền vững, giảm gánh nặng chi trợ cấp xã hội, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi sau này.