Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho biết: Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 13 tỉnh thành thì có đến 11 tỉnh thành phải đi chung 1 con đường mà không có bất kì đường nào khác là Quốc lộ 1A từ cầu Mỹ Thuận đến Trung Lương, với chiều rộng 17-20 m. Như vậy, mỗi chiều chỉ được 8-10 m, nếu không may có phương tiện xịt lốp, chắn ngang đường thì ùn tắc giao thông kéo dài hàng km là chuyện thường.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận phát biểu ý kiến. |
Các tuyến đường ngắn liên tỉnh, liên huyện thì nhỏ, gồ ghề. Điều này khiến lợi thế vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của ĐBSCL vẫn không đủ sức thu hút các nhà đầu tư.
"Mỗi khi có dịp đi trên chặng đường về quê mát mẻ, rộng rãi, lưa thưa phương tiện, ngắm nhìn từng đàn trâu bò ung dung tìm thức ăn thì tôi lại chạnh lòng cho sự phát triển hạ tầng của ĐBSCL", ông Hận chia sẻ.
Bên cạnh hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng thì vùng ĐBSCL còn đang phải đối diện với tình trạng biến đổi ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng sạt lở sông diễn ra ngày một dày đặc. Cà Mau đứng đầu cả nước về xuất khẩu tôm nhưng do biến đổi khí hậu, thiếu nguồn nguyên liệu nên 2 năm liền 2015-2016, xuất khẩu của tỉnh này không đạt kế hoạch đề ra và thấp hơn năm 2014.
"Cơ sở hạ tầng hạn chế, thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài, nhiều rủi ro cùng với sự biến đổi khí hậu khiến ít nhà đầu tư chọn khu vực này. Do đó vùng này nghèo là đương nhiên, càng ngày càng tụt hậu so với các vùng khác trên các nước", đại biểu Nguyễn Quốc Hận đánh giá.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng ĐBSCL có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, hàng năm cung cấp trên 50% sản lượng gạo quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và 74% thủy sản nuôi cả nước.
"Tuy nhiên, chúng ta cần có suy nghĩ vì sao vùng đất trù phú, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu nhất nước nhưng vẫn là vùng nghèo nhất, nhì của cả nước, với mức thu nhập bình quân đầu người 40,2 triệu đồng, trong khi bình quân cả nước là 47,9 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo là 3,54%, còn cao so với các vùng khác. Chất lượng lao động thấp. Người nông dân phải ly hương, ly nông để đến các khu công nghiệp lớn ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương lao động kiếm sống", đại biểu Bình trăn trở.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. |
Ông Bình nêu nguyên nhân: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông còn yếu kém. Toàn vùng chỉ có 60km đường cao tốc, trong khi cả nước có 740km đường cao tốc. Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng. Chất lượng nhiều loại hàng hóa, nhất là nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, trái cây còn thấp. Khả năng cạnh tranh kém. Thêm vào đó, tác động bất lợi ngày càng rõ nét do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư cho ĐBSCL với một số nội dung cụ thể: Thứ nhất, nhanh chóng xây dựng cầu Đại Ngãi và tuyến quốc lộ 60 nối liền các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Đây là tuyến quốc lộ ven biển phía Đông, rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh ven biển phía Đông của vùng với TP Hồ Chí Minh, vừa thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, vừa ngăn triều cường, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Thứ hai, nghiên cứu sớm xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ mở nút thắt cho cả vùng, tạo động lực thúc đẩy cả vùng phát triển. Thứ ba, phát huy lợi thế vùng sông nước, cần đầu tư phát triển giao thông đường thủy, cảng biển đủ năng lực phục vụ cho xuất nhập khẩu của toàn vùng, nhất là xuất khẩu nông sản, nâng cao giá trị kinh tế.
Thứ tư, đầu tư các công trình thủy lợi kênh, đê, cống ngăn mặn, trạm bơm để trữ ngọt, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân. Thứ năm, tập trung đầu tư hạ tầng, đường giao thông vào các khu kinh tế trọng điểm quốc gia như khu kinh tế Định An tỉnh Trà Vinh, khu kinh tế Năm Căn - Cà Mau để thu hút đầu tư.