Đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức

Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BNV bãi bỏ một số thông tư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Chú thích ảnh
Các thí sinh tham gia dự Kỳ thi tuyển công chức tỉnh Bến Tre năm 2022. Ảnh tư liệu: Chương Đài/TTXVN

Bãi bỏ 10 thông tư

Theo đó, bãi bỏ hoàn toàn Thông tư số 13/2010/TT-BNV quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức cùng 4 thông tư liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 13 (Thông tư số 05/2012/TT-BNV, 06/2013/TT-BNV, 03/2015/TT-BNV, 05/2017/TT-BNV).

Bãi bỏ hoàn toàn Thông tư số 12/2012/TT-BNV quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; Thông tư số 15/2012/TT-BNV hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức; Thông tư số 04/2015/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 15/2012/TT-BNV; Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số /2000/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Bãi bỏ Thông tư số 03/2019/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, bãi bỏ các nội dung về tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn ngạch chuyên viên, tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn ngạch cán sự, tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn ngạch nhân viên; quy định về bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức chuyên ngành hành chính quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BNV (quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính).

Bộ Nội vụ cho biết, ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 1/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2020, thay thế Nghị định 24/2010/NĐ-CP nên các thông tư hướng dẫn Nghị định 24 cũng hết hiệu lực.

Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có hiệu lực từ ngày 29/9/2020, thay thế  Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Điều 2 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nên những nội dung liên quan đến các Nghị định trên được hướng dẫn trong các thông tư của Bộ không còn hiệu lực.

Đổi mới công tác tuyển dụng

Bộ Nội vụ xác định tuyển dụng là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, một trong những yếu tố để xây dựng thành công nền công vụ chuyên nghiệp, thực tài, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Nghị định số 1/2020/NĐ-CP về cơ bản đáp ứng được mục tiêu của công tác tuyển dụng, giải quyết một số vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn phát sinh.

Tuy nhiên, công tác tuyển dụng cần tiếp tục được nghiên cứu để đổi mới nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương "thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu nhiệm vụ” đã nêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, đồng thời tạo sự đồng bộ, thống nhất với quy định tại Nghị định số 06/2023/NĐ-CP. Đồng thời, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm, đảm bảo đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu; tạo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Đảng và của pháp luật về xác định vị trí việc làm. Khắc phục tình trạng tiêu cực trong công tác tuyển dụng.

Bộ Nội vụ đang nghiên cứu sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức tại Nghị định số 1/2020/NĐ-CP theo hướng thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào thay cho thi tuyển vòng 1; xác định lại hình thức và nội dung thi tuyển vòng 2 nhằm đánh giá đúng năng lực chuyên môn của thí sinh. Bỏ phần thi tin học (do kiểm định chất lượng đầu vào đã thực hiện trên máy tính), bỏ phần thi ngoại ngữ đối với những vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ; bổ sung quy định cho thí sinh được đăng ký 2 nguyện vọng đối với vị trí việc làm có tiêu chuẩn, điều kiện giống nhau…

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đang tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định về cán bộ, công chức, viên chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh phân cấp tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý đội ngũ. Cắt giảm thủ tục hành chính để giảm gánh nặng đối với đội ngũ và sửa đổi các quy định để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

Trong đó, có những nội dung lớn, tác động tới toàn thể đội ngũ như đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; phân cấp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, thi và xét nâng ngạch công chức; sửa đổi quy định về các bước và nội dung các bước bổ nhiệm công chức, viên chức…

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Bố trí cán bộ, công chức, viên chức tại các huyện, xã sau sắp xếp
Bố trí cán bộ, công chức, viên chức tại các huyện, xã sau sắp xếp

Bộ trưởng Nội vụ vừa ký ban hành hướng dẫn về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và việc công nhận vùng an toàn khu, xã an toàn khu, xã đảo, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN