Hoạt động đánh bắt trên cánh xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự khi lũ đang về. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Đồng Tháp là một trong những tỉnh đầu nguồn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trước tình hình mực nước lũ năm 2017 về sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, các huyện thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chủ trương xả lũ lấy phù sa nhưng có điều tiết phù hợp, đảm bảo sản xuất, an toàn cho người dân.
Ông Khương Lê Bình, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp cho biết: Do ảnh hưởng kết hợp của lũ thượng nguồn và triều cường Biển Đông, nên mực nước tại các nơi trong tháng 7 đã lên nhanh với cường suất nước khoảng từ 5 đến 10 cm/ngày. Đến cuối tháng 7 mực nước tại các nơi ở mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng từ 0,4 đến 1,0 m và cao hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng từ 0,3 đến 0,5 m.
Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, trong tháng 8, tháng 9, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên dần. Đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực nội đồng Tháp Mười xuất hiện vào giữa tháng 10 và ở mức báo động cấp II đến cấp III. Đặc biệt, mực nước khu vực phía Nam lên mức cao nhất năm vào tháng 10, tháng 11; ở mức cao hơn báo động cấp III khoảng từ 0,1 - 0,3 m.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có gần 200 nghìn ha lúa Hè - Thu, trong đó hơn 123 nghìn ha đã thu hoạch và riêng 140 nghìn ha lúa Thu - Đông trong các ô bao đảm bảo an toàn khi có lũ cũng sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng 8.
Tại các huyện, đối với những ô bao đã thu hoạch, địa phương vận động người dân xả lũ đón phù sa. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch phòng chống lũ, thành lập đội tuần tra, kiểm soát gia cố đê bao, đồng thời sắp xếp lại lịch thời vụ hợp lý hơn trong các vụ mùa tới để đảm bảo cho người dân khi có lũ...
Tuy nhiên, đáng lo ngại là một số địa phương, nhiều diện tích lúa xuống giống ngoài quy hoạch, hiện chưa thu hoạch và có khả thu hoạch muộn như huyện Hồng Ngự là 100 ha; 250 ha ở huyện Tháp Mười; 280 ha ở huyện Lấp Vò.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương cho rằng, công tác xả lũ sẽ giúp cải tạo đất canh tác, lưu giữ lượng phù sa, dinh dưỡng trong đất ruộng. Song, công tác phòng chống thiên tai, xả lũ ở từng địa phương phải gắn với tình hình chung toàn tỉnh, phải có sự điều tiết mực nước và xây dựng giải pháp bảo vệ sản xuất lúa vụ Thu Đông, vườn cây ăn trái... tránh xung đột quyền lợi của các loại hình sản xuất.
Đặc biệt, các địa phương cần lưu ý về phương pháp xử lý đồng ruộng trước khi xả lũ; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thời tiết, thủy văn trên các phương tiện thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời và có hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, đồng thời phải đề cao tinh thần chủ động phòng ngừa hơn khắc phục.