Thể hiện bình đẳng giới, tránh tranh chấp
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến có nhiều nội dung được dư luận quan tâm, trong đó có đề xuất vợ và chồng cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).
Khoản 4 Điều 143 dự thảo Luật quy định: "Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng; thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu".
Theo các chuyên gia, quy định sổ đỏ phải được ghi tên của cả chồng và vợ đã được cụ thể hóa tại Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai năm 2013, nay lại tiếp tục đề cập đến trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây được xem là bước tiến bộ, cải thiện sự bình đẳng giữa nam và nữ trong việc tiếp cận và quản lý đất đai. Quy định này cũng đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ quyền nếu 2 bên xảy ra mâu thuẫn, ly dị, và phân chia tài sản.
Theo bà Nguyễn Thanh Huyền, việc đề xuất cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp này là bắt buộc, phù hợp với người sử dụng đất (theo dự thảo tại Khoản 1 Điều 132) gồm có đăng ký lần đầu và đăng ký biến động. Theo đó, đối với trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng, nay thực hiện cấp đổi là đăng ký biến động đất đai.
Tuy nhiên trên thực tế, với địa bàn Sơn La là tỉnh miền núi, đặc biệt khó khăn, tỷ lệ phụ nữ có trình độ để hiểu được quy định của pháp luật nói chung và đặc biệt Luật Đất đai nói riêng còn nhiều hạn chế. Trong đó, phụ nữ là người dân tộc thiểu số tại những nơi vùng sâu, xa như huyện Bắc Yên, Sông Mã, Sốp Cộp, Mường La, Vân Hồ còn nhiều người không biết chữ, khi thực hiện các thủ tục hành chính thường qua phiên dịch và điểm chỉ. Nếu để họ có nhu cầu, việc thực hiện thủ tục đăng ký đất đai để được cấp đổi giấy chứng nhận là điều không thể thực hiện.
Bên cạnh đó, nếu việc cấp đổi giấy chứng nhận là do nhu cầu có nguy cơ phát sinh cơ chế “xin - cho” khi người dân thực hiện thủ tục, sẽ tạo cơ hội cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai sách nhiễu người dân đối với những người chưa hiểu đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. “Thực tế có một số trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất (đặc biệt là chuyển nhượng) đã phát sinh tình huống chồng đứng tên trên giấy chứng nhận tự thực hiện việc chuyển nhượng, trong khi chưa có sự đồng thuận của vợ, do đó đã phát sinh mâu thuẫn và tranh chấp quyền lợi giữa 2 bên, đặc biệt phần thiệt thòi thường về phía người phụ nữ”, bà Nguyễn Thanh Huyền cho hay.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, khoản 4 Điều 143 quy định: Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người cũng cần làm rõ thoả thuận ghi tên một người (vợ, hoặc chồng) đại diện đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để thống nhất trong việc xác định tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp trên.
Lo phát sinh thêm thủ tục hành chính
Luật sư Lê Văn Trung, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có đề xuất vợ và chồng cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ). Theo quy định tài sản sau hôn nhân sẽ hiển nhiên thuộc sở hữu của hai vợ chồng, vì vậy mới có tình trạng khi đi mua đất, người dân đa số chỉ lấy tên vợ hoặc chồng đứng tên trên sổ đỏ. Và khi thực hiện giao dịch liên quan đến sổ đỏ này thì phải có chữ kí hoặc giấy ủy quyền của hai vợ chồng thì giao dịch mua bán nhà đất mới có hiệu lực. Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất việc đứng tên cả hai vợ chồng trên sổ đỏ cũng khá hợp lý nhưng phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính liên quan đến vợ, chồng.
“Dự thảo Luật Đất đai lần này đã có nhiều tiến bộ và cải thiện sự bình đẳng giữa nam và nữ khi quy định thêm quy định cả vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ. Việc này giúp giải quyết một số vụ việc liên quan đến tranh chấp tài sản sau khi ly hôn trong trường hợp trên sổ đỏ chỉ để tên 1 người vợ hoặc chồng”, Luật sư Lê Văn Trung cho biết thêm.
Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, sau nhiều cuộc lấy ý kiến người dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số ý kiến của chuyên gia văn khoăn với quy định vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ.
Theo các chuyên gia, luật sư, người dân, việc này đã thể hiện sự bình đẳng giới và hợp lý. Song, việc trên sổ đỏ hiện chỉ đứng tên vợ hoặc chồng, bây giờ lại yêu cầu người dân đi chuyển sang tên cả vợ và chồng là không cần thiết, vì sẽ làm người dân mất nhiều thời gian, chi phí hơn khi thực hiện nhiều thủ tục hành chính. Trong khi đó, theo quy định, tài sản trong hôn nhân dù đứng tên một người vẫn là tài sản chung, khi vợ chồng ly hôn hay làm các thủ tục chuyển nhượng, thế chấp đều phải có sự đồng ý của cả 2 người.
“Không nhất thiết phải yêu cầu người dân chuyển đổi từ sổ đỏ của một người sang đứng tên hai người để gây mất thời gian, chi phí cho người dân. Việc thực hiện chuyển đổi sang hai người đứng tên cần áp dụng linh hoạt theo nhu cầu của người dân”, bà Phan Kiều Thanh Hương cho biết thêm.