Theo đó, năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1945/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 71/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương tại Thông báo số 58/TB-VPCP, Thông báo số 127/TB-VPCP và Thông báo số 129/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.
Cụ thể, khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương bảo đảm bám sát tình hình thực tiễn và phù hợp năng lực thực thi của các cấp cơ sở; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chú trọng xây dựng Kế hoạch cụ thể với nội dung chi tiết để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các bộ, cơ quan, địa phương; chủ động trao đổi, nắm bắt thông tin, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, sai sót để kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục, tháo gỡ; tích cực chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế và nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cơ chế, chính sách hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn.
Triển khai thực hiện tốt, hiệu quả công tác đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác theo yêu cầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 52/2022/QH15 của Quốc hội.
Tăng cường phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương với các Tổ công tác, cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo Trung ương trong quản lý, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan về các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Quyết định điều chỉnh phân công địa bàn theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường trực, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại các tỉnh: Hà Giang, Lạng Sơn, Gia Lai, Kon Tum.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, Ủy viên Thường trực, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại Cao Bằng, Bắc Kạn, Hải Phòng, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy, Ủy viên Thường trực, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Hòa Bình.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Ủy viên, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ủy viên, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Ủy viên, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại các tỉnh: Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Phước.