Dự thảo gồm 117 Điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 Điều so với Luật Khoáng sản năm 2010.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, mặc dù công tác quản lý khoáng sản đã đạt nhiều kết quả đáng kể nhưng vẫn còn những tồn tại, bất cập trong quá trình thẩm định, phê duyệt, quản lý trữ lượng khoáng sản. Do vậy, cần rà soát, đánh giá một cách toàn diện kết quả thực hiện công tác này ở cấp Trung ương cũng như địa phương. Trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật về khoáng sản ngay trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Ông Lại Hồng Thanh, Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đến nay, Hội đồng đã phê duyệt trữ lượng khoáng sản gần 1.300 báo cáo thăm dò, thăm dò nâng cấp các mỏ khoáng sản các loại (khoáng sản kim loại, không kim loại, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản năng lượng, nước dưới đất và nước khoáng...). Nhiều mỏ thuộc các nhóm khoáng sản đã được đưa vào khai thác, chế biến; đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu để phát triển các ngành công nghiệp quan trọng trong nước như năng lượng, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng, phân bón, hóa chất cơ bản và xuất khẩu…
Theo ông Lại Hồng Thanh, trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần làm rõ khái niệm “thăm dò nâng cấp”, “thăm dò bổ sung”, “thăm dò khai thác”; quy định rõ quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để thực hiện cũng như cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản (sau khi cập nhật).
Đối với công tác quản lý trữ lượng sau khi cấp phép khai thác đến khi đóng cửa mỏ khoáng sản, trữ lượng sau khi cấp phép khai thác cho tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác cần được cập nhật, bổ sung hàng năm để theo dõi trữ lượng đã cấp phép, trữ lượng đã khai thác và trữ lượng còn lại đến thời điểm báo cáo để làm cơ sở thanh, quyết toán tài nguyên, đóng cửa mỏ khoáng sản.
Góp ý về phân cấp và tính trữ lượng, tài nguyên khoáng sản rắn ở Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phương, Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam cho biết, thực tế công tác thăm dò, phân khối xếp cấp trữ lượng và tính trữ lượng được dựa trên cơ sở chỉ tiêu công nghiệp tạm thời do chủ đầu tư đề xuất và được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản công nhận. Tuy nhiên, chỉ tiêu tính trữ lượng còn mang nặng tính chủ quan của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập báo cáo; trong nhiều trường hợp chưa có sức thuyết phục về cơ sở khoa học và tài liệu thực tế minh chứng do thiếu nhiều tài liệu đầu vào khi luận giải chỉ tiêu công nghiệp.
Để tháo gỡ vướng mắc này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phương đề xuất tiến hành đánh giá sai số cho các khối tính trữ lượng, xác định kích thước đới ảnh hưởng... Đối với Dự án đầu tư khai thác mỏ, cần xem xét khía cạnh đặc thù so với các Dự án phát triển kinh tế - xã hội khác. Đặc biệt, độ tin cậy của trữ lượng tính toán cần được trong lòng đất nhằm bảo đảm tính minh bạch và công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia trong lĩnh vực hoạt động khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng công tác thăm dò và đánh giá trữ lượng, tài nguyên các mỏ khoáng sản, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phương cho rằng, ngay từ khâu lập đề án thăm dò cần được hướng dẫn và thẩm định chi tiết, đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định làm rõ đầu mối quản lý các hoạt động thăm dò, thẩm định, phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò và quản lý trữ lượng, tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu triển khai các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ địa vật lý lỗ khoan trong điều tra, đánh giá và thăm dò khoáng sản ẩn sâu.
Còn theo ông Trần Văn Thủ, Phó Trưởng phòng Địa chất - Trắc địa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Apatit Việt Nam (đơn vị thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), trong công tác điều tra cơ bản, thăm dò xác định trữ lượng, cần nghiên cứu mạng lưới thăm dò hợp lý cho từng loại hình địa chất của mỏ để nâng cấp được nhiều cấp trữ lượng có độ tin cậy cao trước khi cấp phép khai thác; đồng thời, tránh tình trạng chia tách mỏ lớn thành các mỏ nhỏ.
Ngoài ra, công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản phải trung thực, minh bạch. Báo cáo về biến động địa chất ảnh hưởng đến trữ lượng khoáng sản phải kịp thời để có giải pháp phù hợp với thực trạng khai thác, tuyển khoáng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ quan giám sát đánh giá thay đổi trữ lượng địa chất so với trữ lượng cấp phép khai thác khi doanh nghiệp báo cáo sự thay đổi lớn so với tài liệu thăm dò giai đoạn trước, qua đó có những giải pháp để kịp thời điều chỉnh trữ lượng thay đổi vào giấy phép nhằm đảm bảo tính minh bạch trong công tác khai thác, chế biến khoáng sản.