Tháo gỡ thách thức
Tại hội nghị “Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Chủ động hội nhập và phát triển” trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL - MDEC diễn ra tại tỉnh Hậu Giang ngày 12/7, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng một số vấn đề lớn còn tồn tại của vùng ĐBSCL cần phải tháo gỡ để vùng phát huy tiềm năng, thế mạnh trước bối cảnh hội nhập với kinh tế thế giới.
Chợ nổi Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Theo đó, vấn đề quan trọng nhất là cấu trúc ngành kinh tế chậm chuyển đổi, không nằm ở tỷ trọng mà giá trị gia tăng thu được. Ngành nông nghiệp vốn là thế mạnh nhưng hệ thống canh tác chưa ứng dụng nhiều khoa học kĩ thuật cao. Cả vùng hiện nay chưa có khu nông nghiệp công nghệ cao, các vùng nông nghiệp cung ứng nguyên liệu chưa đồng bộ để tạo nên chất lượng đồng nhất. Nên các tiêu chuẩn của hiệp định thương mại tự do (FTA) đang là một trở ngại cho việc tiếp cận các thị trường của các sản phẩm lợi thế của vùng ĐBSCL. Ngành nông nghiệp chế biến thực sự chưa có vùng chế biến tập trung, chỉ hình thành một cách tự phát trong ngành cá tra, tôm, gạo. Các sản phẩm chế biến chưa chuyển đổi sang thực phẩm giá trị cao, phần lớn qua nhiều công đoạn nữa mới tới bàn ăn.
Chính vì vậy, nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, đặc biệt vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp nhằm ổn định nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, giải pháp không chỉ dừng lại ở từng địa phương mà đó là sự tính toán quy hoạch cho toàn vùng ĐBSCL. Từ đó sẽ tạo ra “lực đẩy” để giải quyết một bài toán nữa là chưa có chính sách đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL, nhất là liên kết vùng.
Nhiều năm qua, ĐBSCL còn bị vướng bởi sự hợp tác liên kết trong quá trình đầu tư sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Chưa có sự quy hoạch đồng bộ nguồn nguyên liệu tập trung tại một số địa phương, thiếu sự phân bổ cho các tỉnh tập trung sản xuất công nghiệp chế biến. Một số địa phương có lợi thế cho giao dịch thương mại, hậu cần nhưng chưa phát huy do chưa có mối liên kết cụ thể thông qua những chính sách từ Chính phủ. Điều này dẫn đến 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều giống nhau và thậm chí cạnh tranh nhau. Do vậy một giải pháp được đề xuất triển khai song song nữa là có một cơ quan điều phối và triển khai đồng bộ, thống nhất để xây dựng một lực lượng doanh nghiệp lớn, mạnh để bảo đảm hội nhập một cách bền vững, từ đó thúc đẩy hình thành một chính sách đầu tư khởi nghiệp trên quy mô toàn vùng mà trước đây chưa từng có.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã khuyến khích và đặt ra những yêu cầu thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, trong đó khởi nghiệp được xem là hoạt động quan trọng cần đầu tư để tạo dựng một lực lượng doanh nghiệp mới có đủ khả năng hội nhập tốt với thế giới, nhưng đến nay các hoạt động khởi nghiệp đang diễn ra riêng lẻ theo địa giới hành chính và chưa có hoạch định dài hạn cho phát triển khởi nghiệp một cách bài bản. Cuối cùng là hạ tầng kĩ thuật chưa được đầu tư tương xứng để đáp ứng nhu cầu hội nhập. Duy nhất một trục cao tốc (dài 50 km), một sân bay trung tâm và hệ thống cảng biển đang chờ xây dựng… cho một vùng kinh tế lớn thì chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển.
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị đồng tình và mong muốn Chính phủ, chính quyền địa phương vùng ĐBSCL tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng trong giai đoạn tới, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay. Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng cần nỗ lực huy động mọi nguồn ngân sách nhà nước, ODA, vốn tư nhân và FDI để xây dựng các công trình lớn về giao thông nhằm đảm bảo thông suốt, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp. Phát triển các trục giao thông nối các vùng trong khu vực ĐBSCL phục vụ vận chuyển nguyên liệu đến các cơ sở chế biến.
Hỗ trợ doanh nghiệp?
Các đại biểu là doanh nghiệp mong muốn trong thời gian tới trước những thuận lợi cũng như thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế, thì việc nhanh chóng hình thành, thúc đẩy xây dựng thị trường bán lẻ và công tác xuất khẩu là vô cùng cấp thiết.
Theo đó, nhà nước cần có quy hoạch tổng thể mạng lưới bán lẻ, siêu thị phù hợp. Cùng với đó là các chính sách về quỹ đất cho việc phát triển hệ thống bán lẻ đối với các doanh nghiệp trong nước để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài mạnh cả về tài chính và công nghệ. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện tiếp cận với các mặt bằng kinh doanh, có vị trí thuận lợi với cơ chế hợp lý.
Về xuất khẩu, nhà nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển thương hiệu, đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Đặc biệt, cần có chính sách giúp các địa phương vùng ĐBSCL xây dựng quy trình sản xuất nông sản xuất khẩu sạch, thực hiện kiểm soát tốt dư lượng hóa chất trong nông sản, cấp chứng chỉ nông sản hữu cơ sạch cho các sản phẩm đạt chuẩn, giúp kết nối cung cầu để tạo dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến xuất khẩu… Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng cần tăng cường tính liên kết, kết nối từ sản xuất đến phân phối để hỗ trợ nhau cùng phát triển thị trường và tuyên truyền để người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.