Biến đau thương thành hành động cách mạng
Ngày 2/9/1969, Bác mất. Theo lệnh của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã lãnh đạo yêu cầu ngừng bắn trong ba ngày để thọ tang Bác, thành kính tổ chức truy điệu Người. Ngay giữa trung tâm đầu não của kẻ thù, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định để tang Bác Hồ bằng nhiều hình thức. Các cơ sở cách mạng, nhiều khu phố lao động, trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động, chùa Khánh Hưng và nhiều tổ chức công khai tổ chức Lễ truy điệu Bác, chép và truyền tay nhau đọc Di chúc thiêng liêng của Người, bất chấp kẻ địch rình mò, ngăn cản, bắt bớ…
Trong những ngày tháng đương đầu với vô vàn khó khăn, đấu tranh khốc liệt của cuộc kháng chiến, Đảng bộ, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã đồng tâm nén đau thương, biến đau thương thành hành động cách mạng, đạp bằng mọi trở lực, mọi khó khăn, thách thức. Cùng với việc công bố Di chúc, ngày 29/9/1969, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 173- CT/TW mở đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn: Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”. Tại miền Nam, Khu ủy đã mở Hội nghị quán triệt và thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, qua đó góp phần nâng cao tinh thần cách mạng tiến công, phẩm chất chính trị, khí phách anh hùng của cán bộ, chiến sỹ Đảng bộ thành phố.
Chia sẻ về giá trị của Di chúc đối với Đảng và dân tộc ta, ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Tổng Thư ký công trình “Lịch sử Nam bộ kháng chiến” phân tích: Trước hết, Bác truyền cho chúng ta “Lòng tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng”. Di chúc viết: "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.
Đối với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, ông Nguyễn Trọng Xuất nhấn mạnh: Nhân dân thành phố đã tuyệt đối tin tưởng vào điều khẳng định đó. Bác về cõi vĩnh hằng là một tổn thất lớn lao, nhưng không vì thế mà trong nhân dân - trong đó có nhân dân thành phố giảm sút ý chí và lòng tin vào thắng lợi. Sau khi Bác mất, từ trên đường phố Sài Gòn, vùng bị địch tạm chiếm hoặc ngay trong những nhà tù khốc liệt ở Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Lợi, Thủ Đức… những tấm gương chiến đấu chống địch cứ ngày mỗi thêm mạnh mẽ, tràn đầy dũng khí.
Cùng cả nước thống nhất nước nhà
Chỉ sáu năm sau thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất nước nhà. Theo ông Nguyễn Trọng Xuất, chính Di chúc Bác Hồ đã thổi “Hồn dân tộc” vào những thỏi than hồng là lòng yêu nước vốn tiềm ẩn trong những người “con Lạc, cháu Hồng”, để làm bùng lên ngọn lửa không gì ngăn cản được, đã đem đến một kết thúc thần kỳ… Thành phố Sài Gòn vào những giờ phút quyết định đã thể hiện vai trò quan trọng, là “một trong ba vùng chiến lược”, trong đường lối “Hai chân, ba mũi, đồng loạt tiến công địch”, như lúc sinh thời Bác thường nhấn mạnh.
Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu thực sự thấm nhuần trong Đảng bộ, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, là động lực chính trị và tinh thần to lớn, quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Thực hiện Di chúc của Bác, thực hiện lời thề trước anh linh của Người: “Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng ước mong của Người”, qua ba hội nghị Bình Giã từ Thu Đông năm 1969 đến mùa Xuân năm 1972, Khu ủy đã lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định dấy lên khí thế cách mạng tiến công, làm xoay chuyển tình thế.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh), trong giai đoạn khó khăn, thách thức rất lớn của cách mạng miền Nam từ cuối năm 1969 trở đi, bản Di chúc của Bác như đã tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ tinh thần đấu tranh cho Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Cùng với cả nước, Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã chủ động và tích cực bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Lực lượng quần chúng ở nội thành đã nổi dậy tước vũ khí lực lượng phòng vệ dân sự, trấn áp bọn ác ôn, kêu gọi cảnh sát, binh lính quân đội Sài Gòn đầu hàng, làm tan rã chính quyền địch ở cơ sở. Cán bộ, chiến sỹ nội thành cùng quần chúng cách mạng đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở kinh tế, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế quan trọng, không cho địch phá hoại… Theo các đồng chí lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, thắng lợi ấy, đều bắt nguồn từ quyết tâm sắt đá thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Đất nước thống nhất, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vinh dự, tự hào được mang tên TP Hồ Chí Minh. Đảng bộ và nhân dân thành phố lại càng ra sức thực hiện Di chúc của Người: “Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc kháng chiến xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn”.
Đánh giá vai trò của thành phố trong mốc son lịch sử dân tộc, Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, nhận định: Đóng góp to lớn, nổi bật của Đảng bộ và nhân dân thành phố trong cuộc kháng chiến “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” theo lời căn dặn của Bác là trong cuộc chiến đấu cuối cùng quyết chiến chiến lược trên chiến trường Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975.
Nhìn lại khoảng thời gian thực hiện Di chúc của Bác, nhất là những năm sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, nhân dân cả nước, nhân dân thành phố, mặc dù bị địch bao vây cấm vận suốt 20 năm (1975- 1995), có lúc còn bị tiến công xâm lược ở phía Nam, phía Bắc… nhưng thành phố đã cùng cả nước đứng vững, vượt qua được bao khó khăn, thử thách; giữ vững sự ổn định và phát triển cho đến hôm nay.
Bài 2: Vượt qua nhiều thử thách, khó khăn