Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi cho biết, năm 2017, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,11%; chỉ số sản xuất toàn ngành nông nghiệp ước đạt 40.025 tỷ đồng, tăng 1,82%; công nghiệp tăng 6,75%; thương mại - dịch vụ ước đạt 91.291 tỷ đồng, tăng 12,82%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 820 triệu USD; tổng thu ngân sách đạt 5.780 tỷ đồng, đạt 108% dự toán; GRDP bình quân đầu người đạt 34,33 triệu đồng...
Bên cạnh đó, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh được cải thiện, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên 26.192 tỷ đồng, tăng 10,24% so với cùng kỳ; cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký thành lập cho 800 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 3.800 tỷ đồng; thu hút 79 dự án (gồm 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 76 dự án đầu tư trong nước) với tổng số vốn đăng ký là 14.361 tỷ đồng,...
Tại buổi làm việc, tỉnh An Giang kiến nghị Trung ương sớm đề xuất nguồn vốn đầu tư và bổ sung danh mục dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, sử dụng từ nguồn vốn kết dư dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long và nguồn vốn Bộ Giao thông Vận tải tự rà soát, cân đối trong tổng số kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020 được giao... để triển khai thực hiện dự án “Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên” (Dự án thành phần 4 thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long) trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tỉnh kiến nghị Trung ương giới thiệu các nhà đầu tư có tiềm năng đến tìm hiểu và đầu tư tại An Giang trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch…; hỗ trợ vốn ngân sách để thực hiện dự án Đầu tư cụm dân cư nhằm di dời khẩn cấp các hộ dân vùng sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh An Giang…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, nông nghiệp vẫn là trụ cột trong phát triển kinh tế của tỉnh An Giang trong thời gian tới, do đó bên cạnh việc phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, An Giang cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong thực hiện, tỉnh tập trung vào những phân khúc thế mạnh, những sản phẩm đặc thù của địa phương, tránh dàn trải không hiệu quả. Ngoài ra, việc cơ cấu cần quan tâm theo hướng tạo đột phá, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn nông nghiệp công nghệ cao với hiệu quả kinh tế cao…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đang đón làn sóng đầu tư mới từ các các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, tỉnh An Giang cần chuẩn bị thật tốt những điều kiện thuận lợi cần thiết về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực chất lượng cao… nhằm thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển nhanh kinh tế-xã hội địa phương.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác đã trao tặng 500 triệu đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh An Giang.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác đã có chuyến khảo sát thực tế khu vực sạt lở tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.