Một câu hỏi khác nữa được đưa ra là hiện nền kinh tế của nước ta đang đứng trước những thách thức ra sao và kinh nghiệm tổ chức sự kiện quốc tế của các nước sẽ giúp ích gì?
Trả lời phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ông Lăng Đức Quyền, nhà nghiên cứu vấn đề Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu các vấn đề Thế giới (THX) trước hết bày tỏ mong muốn và tin tưởng Việt Nam sẽ tổ chức tốt hội nghị này, việc tổ chức thành công Hội nghị lần này cũng sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với không chỉ Việt Nam mà cả với các nước thành viên trong khu vực.
Từng tổ chức Hội nghị APEC năm 2006 và cũng đã tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn, quan trọng khác nên Việt Nam đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã sớm bắt tay tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Hội nghị APEC sẽ diễn ra vào năm sau.
2016 là một năm rất quan trọng đối với tình hình chính trị Việt Nam. Bộ máy lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tiến hành bầu cử, chuyển giao quyền lực thuận lợi, đồng thời xác định được phương châm chính trị đối nội, đối ngoại quan trọng trong thời gian tới.
Điều này tạo nền tảng và sự bảo đảm cho nước chủ nhà Việt Nam tiếp đón các nhà lãnh đạo APEC và triển khai các hoạt động ngoại giao song phương, đa phương dày đặc trong hội nghị sẽ diễn ra vào mùa thu năm tới.
Hiện nay kinh tế thế giới vẫn đang điều chỉnh sâu, động lực hồi phục chưa đủ mạnh, sự phân hóa trong tăng trưởng kinh tế gia tăng. Toàn cầu hóa kinh tế gặp khó khăn, đầu tư và thương mại quốc tế sa sút, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy.
Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động, nhiều tiềm năng, đồng thời cũng gánh vác trách nhiệm quan trọng đối với kinh tế thế giới. Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt và thúc đẩy hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và thế giới, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và thế giới.
Trước những thách thức mới trong tình hình mới, mọi thành viên APEC cần đoàn kết, áp dụng các biện pháp hữu hiệu để tăng cường hợp tác, phát huy vai trò dẫn dắt của châu Á – Thái Bình Dương, qua đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế thế giới một cách sáng tạo, tràn đầy sức sống, năng động và bao dung.
Việt Nam hiện đang quán triệt thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tích cực chủ động hội nhập kinh tế thế giới. Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ bàn bạc kỹ lưỡng với các thành viên APEC, đưa ra chủ trương mới, biện pháp mới nhằm tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực, thúc đẩy xây dựng Khu thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương, phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức, thông qua hành động thực tế thể hiện tinh thần đối tác cùng đón nhận thách thức, thể hiện quyết tâm mưu cầu cùng phát triển.
Mở cửa là động lực tăng trưởng của kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Các nước thành viên APEC cần ủng hộ cơ chế thương mại đa phương, cần coi trọng hơn nữa việc thúc đẩy thương mại và thuận tiện hóa, tự do hóa đầu tư, khôi phục lại nguồn lực thương mại và đầu tư. Cần ứng phó hiệu quả hiện tượng chồng chéo trong các hiệp định thương mại khu vực, đề xướng tinh thần rộng mở và bao dung, tránh o bế, bài trừ các hiệp định đó.
Hiện nay toàn cầu hóa kinh tế đã bước vào thời kỳ điều chỉnh mang tính giai đoạn nên có nước hoài nghi, có nước chần chừ. Tuy nhiên cần thấy rằng, toàn cầu hóa kinh tế phù hợp với yêu cầu phát triển sức sản xuất, phù hợp với lợi ích các bên và là một xu thế lớn.
Dù gì cũng không nên dừng bước vì khó khăn nhất thời mà cần tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa kinh tế chú trọng sự phối hợp trong thực tiễn phát triển của mỗi nước, chú trọng giải quyết vấn đề một cách công bằng, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế phát triển theo hướng bao dung, cùng có lợi.
Mọi thành viên APEC cần dùng hành động thực tiễn để đưa ra thông điệp với thế giới rằng châu Á – Thái Bình Dương vẫn luôn quyết tâm, tin tưởng đối với toàn cầu hóa kinh tế. Về phía Trung Quốc luôn hy vọng và tin tưởng nước chủ nhà Việt Nam có đủ năng lực và trí tuệ, tiếp thu tinh hoa của các nước, tìm ra điểm chung song vẫn bảo lưu các ý kiến khác nhau, nhằm đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị APEC năm 2017.
Đánh giá về thực trạng kinh tế Việt Nam, ông Lăng Đức Quyền cho rằng, giống như nhiều nước khác trên thế giới, kinh tế Việt Nam hiện đứng trước cơ hội phát triển quan trọng, tuy nhiên cũng chịu không ít thách thức, tác động từ môi trường thế giới, đặc biệt là thiên tai khá nặng nề mà Việt Nam gặp phải trong năm nay.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao; so với nhiều nước khác kim ngạch xuất nhập khẩu lao dốc nghiêm trọng, ngoại thương của Việt Nam vẫn duy trì được xu thế tăng trưởng tốt. Để đạt được thành tựu về mặt kinh tế đó là không dễ dàng, cho thấy Đảng và Chính phủ Việt Nam đã áp dụng một loạt chính sách hiệu quả.
Chuyên gia vấn đề Việt Nam tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam sẽ kiên trì thúc đẩy cải cách, khắc phục mọi khó khăn trước mắt để ổn định phát triển, như vậy nhất định sẽ thực hiện được mục tiêu mà Đại hội Đảng 12 đã đề ra.
Gần đây, trong khi tiếp Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ Trung Quốc ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 2017 và mong muốn góp phần cùng nước chủ nhà tổ chức thành công hội nghị này, qua đó tạo nền móng tốt cho hợp tác của APEC trong tương lai.
Hai nước Việt – Trung có tình láng giềng, hữu nghị truyền thống và nhiều lợi ích chung. Năm 2015 lãnh đạo cấp cao hai nước đã thăm lẫn nhau thành công, quan hệ hai Đảng hai nước phát triển tốt đẹp. Theo thông lệ, năm 2017 Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị APEC và thăm chính thức Việt Nam.
Ông Lăng Đức Quyền tin tưởng rằng quan hệ hai nước sẽ phát triển theo hướng đúng đắn nhằm thực hiện tốt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao cũng như các dự án đã thỏa thuận và sử dụng tốt các cơ chế hợp tác sẵn có để không ngừng nâng cao chất lượng trong hợp tác thực chất, đẩy nhanh các dự án hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng và Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, thúc đẩy hợp tác về năng lực sản xuất sớm đạt kết quả, như vậy ắt sẽ thúc đẩy quan hệ Trung – Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, qua đó đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.