Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và bước ngoặt của Cách mạng Việt Nam

Ngày 28 tháng 1 năm 1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), nơi tổ chức lớp huấn luyện cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam đã trở về Việt Nam sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước. Bên cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng lặng hồi lâu xúc động.

Với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt của một lãnh tụ thiên tài, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách ra đi, để rồi tìm cách trở về Tổ quốc, trở về trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam trước những bước ngoặt của tình thế đã được Người dự đoán.

Người dân thuộc địa hiếm hoi trở thành thành viên của Đảng Xã hội Pháp

Khi rời bến Nhà Rồng ra đi tìm một con đuờng mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (12/1920). Ảnh tư liệu: TTXVN


Khi nhiều người đang ngoảnh nhìn về phương Đông với sự ngưỡng mộ “người anh cả da vàng” Nhật Bản - một đế quốc mới ở châu Á - đã chiến thắng nước Nga Sa hoàng năm 1905, hay ngưỡng vọng bác sĩ Tôn Dật Tiên với chủ nghĩa Tam dân nổi tiếng và cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Quốc thì Nguyễn Tất Thành tìm đường sang phương Tây, đến nước Pháp, đến nơi sản sinh ra những lời đẹp đẽ: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” đã từng làm rung động lòng mình khi còn ở tuổi thiếu niên.


Nguyễn Tất Thành muốn đến tận nơi sinh ra những lý tưởng cao đẹp đó để tìm hiểu xem làm sao người Pháp có được Tự do - Bình đẳng - Bác ái... Nguyễn Tất Thành đã chọn hướng Tây với mong muốn thiết thực: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”.

Tư liệu của Alain Ruscio, một nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh người Pháp: Khoảng cuối năm 1918 hoặc đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đoàn thanh niên xã hội và sau đó là Đảng Xã hội Pháp, vì nhận thấy có mối liên hệ giữa những hoạt động của đảng với khát vọng giải phóng dân tộc của mình. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã trở thành đảng viên Xã hội Pháp “vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại Cách mạng Pháp: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” - như sau này tác giả Trần Dân Tiên đã thuật lại.

Nguyễn Ái Quốc là một trong số rất hiếm hoi thành viên của Đảng Xã hội Pháp khi đó là người dân của một xứ thuộc địa. Trong mùa hè năm 1919, người ta thấy Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trong các cuộc họp của Đảng Xã hội, trong các cuộc họp của Tổng công hội, Hội Nhân quyền...

Tìm thấy nguồn sáng tương lai

Cho đến khi nổ ra những cuộc tranh luận trong Đảng Xã hội Pháp về vấn đề nên là thành viên của Quốc tế nào, Nguyễn Ái Quốc chưa hề đọc tác phẩm nào của V.I.Lênin. Anh ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ là theo cảm tính, mà chưa hiểu hết tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng vĩ đại này. Anh tỏ ra lúng túng trước những cuộc tranh luận.


Điều làm Nguyễn Ái Quốc lúng túng chính là “trong cuộc bàn cãi, người ta rất ít nói đến sự đoàn kết với các dân tộc thuộc địa. Nhưng đó lại là vấn đề tôi quan tâm hơn hết”. Điều mà Nguyễn Ái Quốc muốn biết nhất - vì đối với Người nó quan trọng nhất - là Quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa, thì lại không thấy bàn đến trong các cuộc tranh luận đó.

Trong hai số liên tiếp ngày 16 và ngày 17/6/1920, báo L’Humanité (Nhân đạo) đăng “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin. Luận cương này được V.I.Lênin trình bày tại Đại hội II Quốc tế cộng sản họp từ ngày 19/7 đến 10/8/1920.

Luận cương của V.I.Lênin đã gây cho Nguyễn Ái Quốc một cảm xúc mạnh mẽ. Sau này Người kể lại: “Luận cương của Lênin làm tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên”.


Qua Luận cương, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy sự ủng hộ, tìm thấy chỗ dựa, tìm thấy nguồn sức mạnh để vươn tới cái đích của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc - đã được chỉ rõ là sự chiến thắng của Chính quyền Xô viết với chủ nghĩa đế quốc thế giới.


Những điều này đã giải đáp những băn khoăn thắc mắc của Nguyễn Ái Quốc trước câu hỏi: Đứng về Quốc tế nào trong các cuộc tranh luận diễn ra ở các cuộc họp của Đảng Xã hội Pháp. Nguyễn Ái Quốc đã có câu trả lời rõ ràng: Đứng về Quốc tế III của Lênin, bởi vì “Chúng tôi thấy rằng việc Đảng Xã hội gia nhập Quốc tế III có nghĩa là Đảng hứa một cách cụ thể rằng từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa”.

Ngày 30/12/1920, tại Đại hội Tua, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng cộng sản Pháp và bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III. Nguyễn Ái Quốc đã chính thức trở thành một chiến sĩ cộng sản đấu tranh cho lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Sự gặp gỡ tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Lênin này phản ánh những nhu cầu đang đặt ra của lịch sử là xác định một con đường đúng đắn cho cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam nói riêng và các dân tộc thuộc địa nói chung.


Nguyễn Ái Quốc chính là người đảm nhận nhiệm vụ lịch sử đó. Ánh sáng của tư tưởng Lênin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc con đường đấu tranh giải phóng, không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn cho tất cả các dân tộc còn đang bị áp bức. Luận cương của V.I.Lênin chính là tia sáng đầu tiên của dòng ánh sáng đó.

Mặt trận Việt Minh - khối lực lượng chính trị quần chúng mạnh mẽ

Ngay sau khi Bác về nước, ngày 19/5/1941, giữa vùng núi rừng Pắc Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam đang rên xiết trong cảnh một cổ hai tròng, vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi lửa nóng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác, Tuyên Quang năm 1951. Ảnh tư liệu: TTXVN

Với một quyết tâm được xác định rõ trong chương trình của mình “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”, Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Các tầng lớp quần chúng đông đảo được tổ chức trong những Hội cứu quốc là thành viên của Mặt trận Việt Minh: Nông dân cứu quốc; Công nhân cứu quốc; Thanh niên cứu quốc; Phụ nữ cứu quốc; Phụ lão cứu quốc; Văn hóa cứu quốc... đã làm cho Mặt trận ngày càng phát triển rộng rãi. Sự phát triển của các tổ chức cứu quốc lan rộng trên khắp các địa bàn nông thôn, thành thị, miền núi, từ Bắc vào Nam, đã làm thành một Phong trào Việt Minh sôi nổi, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Mặt trận Việt Minh chính là sợi dây nối liền chặt chẽ Dân - Đảng, Đảng - Dân, để ý Đảng thấm tới lòng dân, tạo ra khả năng cho Đảng có thể phát động một cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân trên địa bàn cả nước.


Thông qua Mặt trận Việt Minh, Đảng ta đã xây dựng được một khối lực lượng chính trị quần chúng mạnh mẽ, được rèn luyện qua những phong trào cách mạng. Cũng do sự phát triển rộng khắp của phong trào Việt Minh, Đảng đã có điều kiện để duy trì các đội du kích, xây dựng những khu căn cứ địa cách mạng, hình thành lực lượng vũ trang cách mạng.

Tại Việt Bắc, trong cao trào tiến tới Tổng khởi nghĩa, đã xuất hiện những xã hoàn toàn, châu hoàn toàn. Tại những nơi đó, Việt Minh nắm chính quyền, bước đầu thử nghiệm mô hình chính quyền nhân dân, xây dựng cuộc sống mới.

Mặt trận Việt Minh ra đời là sự kế tục sự nghiệp đấu tranh của các tổ chức mặt trận đã được Đảng ta tổ chức trước đó: Hội phản đế đồng minh (11/1930); Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (7/1936); Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3/19); Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (11/1939).

Mặt trận Việt Minh ra đời là kết quả của quá trình vận động cách mạng, là sản phẩm của sự điều chỉnh chiến lược cách mạng Việt Nam đúng đắn sáng suốt của Đảng ta từ Hội nghị Trung ương 6 (11/1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì và sau đó được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hoàn thiện tại Hội nghị trung ương 8 (5/1941).

Mặt trận Việt Minh còn là sự hiện thực hóa kết quả thắng lợi của sự phát triển đường lối, chủ trương chiến lược đoàn kết dân tộc, tập hợp đoàn kết quần chúng trong một tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất, đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa cách mạng đến thắng lợi.

Sự thành lập và hoạt động của Việt Minh đã trở thành nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Sự ra đời và hoạt động của Mặt trận Việt Minh là kết quả của một tư tưởng cách mạng khoa học, sáng tạo. Đây cũng là một bài học thành công của Đảng ta và Hồ Chí Minh về công tác mặt trận và chiến lược đoàn kết dân tộc trong Cách mạng Việt Nam.

Trong suốt một thập kỷ, mọi thắng lợi của dân tộc, nhân dân ta đều gắn với hai chữ Việt Minh. Đồng chí Hoàng Quốc Việt trong tập hồi ký “Ánh sáng mới từ Pắc Bó - Đầu nguồn” viết: “Hai chữ Việt Minh trong một thời kỳ dài làm nức lòng đồng bào cả nước. Hai chữ Việt Minh còn mãi trong lịch sử chói lọi nét vàng son”.

Bạo lực cách mạng chống bạo lực phản cách mạng, giành chính quyền và bảo vệ chính quyền

Từ những chặng đầu tiên trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của mình, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rõ con đường tiến lên của Cách mạng Việt Nam là con đường bạo lực cách mạng vô sản. Bởi, độc lập tự do không thể cầu xin mà có... Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cần phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền. Quan điểm đó xuyên suốt trong cả quá trình Hồ Chí Minh lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.


Hội nghị Trung ương lần thứ 8 cũng là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh về vũ trang khởi nghĩa ở Việt Nam. Đó là cuộc khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân tộc do toàn thể dân tộc tiến hành “Đó là một cuộc đấu tranh to tát về chính trị và quân sự”.

Phương thức tiến hành khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa đã được Hồ Chí Minh nêu lên từ sớm: “Ở các nước Âu Mỹ, cuộc khởi nghĩa thường bắt đầu từ các cuộc đấu tranh chính trị rồi mới tiếp đến các cuộc vũ trang bạo động. Ở Đông Dương ta, khởi nghĩa có thể bùng ra ở một vài nơi rồi lan dần khắp nước. Khởi nghĩa có thể bùng ra ở nơi nhiều núi rừng tiện cho việc đánh du kích”.

Sau khi Bác về nước, trong những năm 1941 - 1944, những đội du kích, đội tự vệ được xây dựng ở nhiều xã, nhiều huyện thuộc tỉnh Cao Bằng. Những trung đội cứu quốc quân 1, 2, 3 - lực lượng vũ trang cách mạng được duy trì sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tiếp tục được củng cố. Đây là lực lượng nòng cốt hỗ trợ cho phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng đang dâng cao, đặc biệt trong các tỉnh thuộc khu giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên.

Trong khí thế đang lên của phong trào cách mạng, tháng 5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị: “Về sửa soạn khởi nghĩa”. Tháng 10/1944, Trung ương Đảng lại ra lời kêu gọi: “Sắm vũ khí đuổi thù chung”. Các địa phương ra sức củng cố xây dựng lực lượng vũ trang, tìm kiếm vũ khí, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền... Phong trào chuẩn bị khởi nghĩa sôi nổi lan rộng.

Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ những bước phát triển của lực lượng vũ trang và việc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa phải phù hợp với sự phát triển của tình thế cách mạng. Vấn đề quan trọng nhất là phải có đường lối chiến lược và sách lược cách mạng đúng đắn, phải chuẩn bị lực lượng đầy đủ, tạo thời cơ và nắm vững thời cơ, để khi thời cơ đến có thể nhanh chóng huy động lực lượng chớp thời cơ giành thắng lợi.

Đến tháng 7/1945, phát xít Đức, Italia đã bại trận trên chiến trường châu Âu, ở châu Á, phát xít Nhật đang trên đường thất bại và sụp đổ. Dù đang ốm nặng giữa rừng Tân Trào, Hồ Chí Minh vẫn chỉ thị cho các đồng chí: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa phát triển phong trào quần chúng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị lực lượng chính trị và nhạy bén chớp thời cơ phát động toàn dân đứng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Mở cửa để Cách mạng Việt Nam thành một phần của cách mạng thế giới

Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo Cách mạng Việt Nam cũng mang về những nhận định mới về tình hình thế giới và đề ra sách lược đối ngoại cho Cách mạng Việt Nam.

Là chiến sĩ cách mạng có kinh nghiệm hoạt động quốc tế lâu năm, luôn luôn theo dõi sát những diễn biến của tình hình, Nguyễn Ái Quốc có những nhận định quan trọng về tình hình thế giới cũng như đề ra những quyết sách cho Cách mạng Việt Nam trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ II đang lan rộng.

“Cuộc chiến tranh này gây ra nhiều tai họa cho nhân loại nhưng nó sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước sẽ thành công”, Nguyễn Ái Quốc nhận định, khi các kẻ thù của dân tộc lao vào cuộc chiến tranh sẽ tạo những cơ hội quý báu cho công cuộc giải phóng của nhân dân Việt Nam.


Người cũng truyền đạt và bồi dưỡng những nhận thức về tình hình quốc tế cho nhiều cán bộ trong các lớp bồi dưỡng chính trị cấp tốc, truyền cho họ sự tin tưởng vào thắng lợi của Cách mạng Việt Nam, thắng lợi của cách mạng các nước thuộc địa và cách mạng thế giới nói chung.

Bến Nhà Rồng TP Hồ Chí Minh, nơi cách đây tròn 100 năm, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Nguyễn Ái Quốc đã đặt Cách mạng Việt Nam trong bối cảnh chung của cuộc đấu tranh của toàn nhân loại chống chủ nghĩa phát xít. Nguyễn Ái Quốc tìm cách đặt mối liên hệ với đồng minh cho Cách mạng Việt Nam, để cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam hòa nhập trong cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại.


Người cũng là đầu mối trực tíếp trong nhiều mối quan hệ với các nước đồng minh, để Cách mạng Việt Nam có cơ hội nhận được những sự giúp đỡ trực tiếp bằng vật chất cho cuộc kháng Nhật cứu nước nhưng điều quan trọng hơn là tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này.


Hồ Chí Minh đã thiết lập được những mối quan hệ với các lực lượng chống Nhật ở Trùng Khánh, với các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ ở Côn Minh... Các đội du kích cách mạng ở Cao Bằng cũng đã nhận được những sự hỗ trợ về vũ khí, về phương tiện thông tin liên lạc và sự huấn luyện của một số chuyên gia quân sự đồng minh.

Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn chú ý đến việc mở rộng cánh cửa để Cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, để cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là một bộ phận của cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì hòa bình và những giá trị nhân đạo.

                                                      *  *  *

Nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã thống nhất trong nhận định rằng: Hồ Chí Minh là một lãnh tụ luôn xuất hiện đúng lúc tại những thời điểm lịch sử mang tính bước ngoặt. Sự kiện Người trở về Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng vào mùa xuân năm 1941, sau những năm dài tìm đường cứu nước, cũng là một sự kiện như vậy.

Ngô Vương Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN