Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau ba ngày làm việc khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 10 để hoàn tất việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Nhấn mạnh về từng nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh các tờ trình, báo cáo về kinh tế-xã hội, về ngân sách Nhà nước, về báo cáo giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; về Hiệp ước và Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015; về việc tách dự án thành phần của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tất cả những văn bản trên phải được tiếp thu, hoàn chỉnh để gửi tới các vị đại biểu Quốc hội trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ ba; Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh báo cáo giải trình tiếp thu, dự kiến chương trình Kỳ họp thứ ba của Quốc hội, báo cáo Đảng Đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ tại cuộc họp vào chiều 18/5. Sau đó, hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Phiên họp trù bị, đồng thời theo dõi, đôn đốc để phối hợp với các cơ quan bảo đảm công tác phục vụ đại biểu Quốc hội và cho Kỳ họp được chu đáo.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ban Công tác đại biểu đã thực hiện xong các nghị quyết theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là Nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội Khóa XIV đối với ông Võ Kim Cự thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh; Nghị quyết về việc chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Thiện Nhân từ tỉnh Trà Vinh về Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về việc chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng từ Thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh Thanh Hóa.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng; đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh và sớm ban hành nghị định; đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội căn cứ vào kết luận của Chủ tọa tại phiên họp này về các nội dung trên để thông báo kết luận Phiên họp thứ 10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tới các cơ quan, tổ chức và cá nhân hữu quan để triển khai thực hiện.
*Trước đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần hai về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo quyết toán đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội phê chuẩn với các yêu cầu sau: Giảm thu 7.452 tỷ đồng, đồng thời tăng bội chi tương ứng liên quan để đảm bảo tiền hoàn thuế theo quy định (còn 5.000 tỷ đồng hoàn thuế đồng ý chuyển sang năm sau). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho quyết toán số tiền vay ODA 30 nghìn tỷ đồng đã có địa chỉ, có quyết định phân bổ, thể hiện đúng tinh thần số giải ngân thực tế nên đã đủ điều kiện quyết toán; đồng ý cho ghi thu, ghi chi 3.555,2 tỷ đồng liên quan đến xử lý nhà đất vì đã đủ điều kiện trình ra Quốc hội để quyết toán.Từ đó, nhất trí với số tổng thu, tổng chi và bội chi ngân sách Nhà nước cũng như tỷ lệ nợ công như báo cáo của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tiếp thu nghiêm túc ý kiến, kiến nghị của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, đồng thời yêu cầu các cơ quan hoàn chỉnh các báo cáo để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.