Chia sẻ bên lề Quốc hội, các đại biểu đánh giá, các đại biểu Quốc hội đã nêu vấn đề thẳng thắn, dân chủ; các Bộ trưởng đã đưa ra được các giải pháp trước mắt và lâu dài.
Dân chủ, thẳng thắn, tranh luận đi đến cùng vấn đề
Theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Thành phố Hồ Chí Minh), lao động, dân tộc, miền núi là những vấn đề rất quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội. Chính vì vậy, phần trả lời của các Bộ trưởng không chỉ thu hút sự quan tâm của các đại biểu nêu câu hỏi mà của cả nghị trường. Phiên chất vấn với lĩnh vực lao động đã có nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận, cho thấy sự quan tâm của các đại biểu với mong muốn làm rõ và sâu sắc hơn những "điểm nghẽn", những vướng mắc. Trong quá trình trả lời, các Bộ trưởng đã khẳng định và đưa ra các giải pháp có tính khả thi cao.
Theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A lềnh lần đầu đăng đàn nhưng cách trả lời rất cụ thể, rõ ràng các vấn đề liên quan đến dân tộc miền núi. Các chính sách cụ thể địa phương kiến nghị Bộ trưởng nắm rất rõ. Điều này cho thấy sự trách nhiệm của Bộ trưởng; mong rằng, những giải pháp đã được các Bộ trưởng đưa ra cần sớm triển khai trong thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.
Theo đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đắk Lắk), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng cho phiên chất vấn nên câu trả lời tương đối cụ thể về giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thời gian tới, hy vọng Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục ban hành hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện tốt nhất các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Các vấn đề được đưa ra chất vấn với hai Bộ trưởng sau phiên chất vấn đều là những vấn đề được dư luận và cử tri quan tâm bởi tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Phiên chất vấn diễn ra sôi động, dân chủ, thẳng thắn, nhiều đại biểu đã đăng ký tranh luận để đi đến cùng vấn đề.
Về việc giám sát lời hứa của Bộ trưởng cũng như các thành viên Chính phủ nói chung, các đại biểu Quốc hội cho biết, sẽ luôn theo dõi, tăng cường tổ chức thu thập thông tin, tiếp xúc cử tri, nhất là các nhóm cử tri đặc thù, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan. Qua đó, nâng cao hiệu quả giám sát lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành, đảm bảo tính khách quan, độc lập.
Đưa ra được các giải pháp trước mắt và lâu dài
Trong phiên chất vấn về nhóm lao động, việc làm, các đại biểu đã đưa ra các câu hỏi xác đáng, thể hiện được bức tranh chung về sự quan tâm của cử tri đối với các lĩnh vực như: Giải quyết việc làm, chế độ chính sách cho người lao động, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng/tạo nguồn lao động chất lượng cao, bảo hiểm xã hội. Các đại biểu đánh giá, phần trả lời cho thấy Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nắm chắc các lĩnh vực phụ trách, xác định rõ và hồi đáp có trọng tâm các vấn đề mà đại biểu nêu, không né tránh và cũng nêu được các định hướng giải quyết sắp tới.
Theo đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên), ngành Lao động, Thương binh và Xã hội trong 2 năm vừa qua đã có rất nhiều cố gắng với các chính sách an sinh xã hội được triển khai trên phạm vi rộng; tham mưu kịp thời, đề ra chính sách khá phù hợp, tổ chức triển khai tích cực, hiệu quả. Những kết quả đó đóng góp vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.
Đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng, còn nhiều vấn đề một mình ngành không thể giải quyết được mà cần sự phối hợp, vào cuộc của các ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ.
“Tôi tin tưởng trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ thực hiện được những lời hứa trước đại biểu và cử tri”, đại biểu đánh giá
Đồng tình với quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời thẳng thắn, không vòng vo, không né tránh trách nhiệm, đưa ra được giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến thị trường lao động, đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực, bảo hiểm xã hội. Bộ trưởng đã làm rõ trách nhiệm của ngành mình với tinh thần rất cầu thị.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu lao động là một trong những mục tiêu lớn, khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giải pháp hướng tới là phải hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách vì đây là hành lang pháp lý để giúp giáo dục nghề nghiệp phát triển đúng hướng; đồng thời, rà soát, quy hoạch lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, để có hệ thống giáo dục nghề nghiệp đủ lớn, bảo đảm cơ cấu đào tạo nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường…
Đối với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu kỳ vọng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng được hệ thống dữ liệu về thị trường lao động để cung cấp cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở đó, mới có chiến lược phát triển dài hạn, kế hoạch hàng năm để cung ứng các “sản phẩm” của giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đắk Lắk) cho rằng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận được sự quan tâm chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội khi trả lời “trúng” vào các vấn đề được đại biểu Quốc hội đưa ra và làm rõ trách nhiệm của ngành, cũng như chính bản thân Bộ trưởng. Cho rằng, ngoài tinh thần cầu thị, còn nhiều vấn đề cần thời gian nhất định mới hoàn thiện được, nhất là những giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách, đại biểu mong sẽ có chính sách phù hợp với thực tế để giải quyết cho người lao động nói riêng, cử tri và người dân nói chung.