Bên lề Kỳ họp, đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi một số ý kiến xung quanh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Về nội dung sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự, đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra trong trường hợp bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh là căn cứ vào tình hình thực tế, trong đó có thực tế tại TP Hồ Chí Minh là địa phương tâm dịch trong thời gian vừa qua.
Bộ luật Tố tụng Hình sự xây dựng trong điều kiện bình thường, nên quy định về thời hạn tố tụng rất chặt chẽ. Ví dụ, thời hạn điều tra vụ án đơn giản là 2 tháng, do dịch bệnh “ai ở đâu ở yên đó”, công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra sẽ không thực hiện được (như thời hạn luật định). Trong thời điểm đó, nhà tạm giữ, trại tạm giam áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng dịch nên cũng không thể có những hoạt động tiếp xúc, xác minh, điều tra, phúc tra chứng cứ…
Bên cạnh đó, thực tế như TP Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, chính trị xã hội của cả nước nên mức độ giao lưu đa dạng, người bị hại, luật sư, người bào chữa, đối tượng liên quan nếu ở các tỉnh, thành phố áp dụng điều kiện không thể di chuyển để chống dịch, việc thu thập tài liệu, chứng cứ là rất khó khăn. Khi hết thời hạn, phải kết thúc điều tra, mà không đủ chứng cứ chứng minh sẽ không thể truy tố được và cũng không thể đình chỉ được vì đây là những trở ngại khách quan. Do đó, việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo hướng tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án khi hết thời hạn điều tra, vụ án trong các giai đoạn tố tụng do lý do dịch bệnh, thiên tai là rất cần thiết.
“Tuy nhiên, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định thật chi tiết, rõ ràng những trường hợp tạm đình chỉ, vì khi tạm đình chỉ sẽ phát sinh hàng loạt các quan hệ pháp lý như hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn… Do đó, phải được quy định hết sức cụ thể, rõ ràng để cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào đó thực hiện, nhằm tránh những hệ quả đáng tiếc xảy ra”- đại biểu Nguyễn Thanh Sang nhấn mạnh.
Khi nói về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Phong, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết, các điều luật sửa đổi trong Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự đã được thảo luận tại tổ và các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi.
Mặc dù vậy, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn với nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
Theo đại biểu Lê Thanh Phong, việc tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm trong thời gian xử lý, giải quyết tin báo tố giác tội phạm; tạm đình chỉ trong thời gian điều tra, khởi tố là những vấn đề phải hết sức lưu ý cần được xem xét cẩn thận. Bởi vì nếu tạm đình chỉ vì lý do thiên tai, bệnh dịch, mà trong những vụ việc xảy ra do thiên tai, bệnh dịch, có thể dẫn tới việc thu thập, xử lý chứng cứ không còn bảo toàn kịp thời, dẫn đến việc xét xử không đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thanh Phong đề nghị cần bổ sung thêm trường hợp tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử vì những lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Đại biểu Phong nhấn mạnh: “Cần phải có những quy định chặt chẽ, như trong Dự thảo đã quy định là hết thời gian quy định theo luật thì mới được tạm đình chỉ. Đồng thời, dù là sự kiện bất khả kháng thì chỉ sau khi mình phải làm hết mọi cách nhưng không thể kết thúc điều tra được thì mới tạm đình chỉ”.