Bộ trưởng Bộ Công an: Kiểm soát quyền lực, cắt đứt quan hệ doanh nghiệp sân sau

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp sáng 7/11, các đại biểu Quốc hội đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vai trò của ngành công an trong việc điều tra phòng, chống tội phạm tham nhũng...

Xử lý nghiêm hành vi làm lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ Đào Chí Nghĩa đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, hiện nay, tình hình thông tin cá nhân bị lộ, lọt số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân… đang rất phổ biến. Bên cạnh đó, người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, các đường link giả mạo, bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau; Bộ trưởng đưa ra giải pháp gì giải quyết tình trạng này?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, không phải riêng nước ta mà các nước trên thế giới cũng rất quan tâm, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số. Đây là vấn đề thực tiễn rất cấp bách đặt ra ở Việt Nam hiện nay.

Bộ trưởng đánh giá tình trạng lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay rất nghiêm trọng. Tội phạm xâm nhập, đánh cắp dữ liệu cá nhân rất lớn. Trong năm 2023, Bộ Công an đã cảnh báo, xử lý rất nhiều vụ liên quan đến việc xâm phạm cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ dữ liệu chưa cao. Người dân có thể sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho người khác, cho các doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch dân sự.

Để khẩn trương xử lý hiệu quả lĩnh vực này, Bộ Công an chỉ đạo thực hiện một số giải pháp. Đầu tiên là phải khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý. Bộ đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo lộ trình của Đề án 06, kế hoạch năm 2024, Bộ sẽ đề xuất xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội cho ý kiến; đồng thời đề xuất bổ sung sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2015 thêm tội danh làm lộ, lọt dữ liệu cá nhân để xử lý nghiêm hành vi này. Bên cạnh đó cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng và Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, tăng cường điều tra, xử lý nghiêm các hành vi làm lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân và các hành vi sai phạm khác. Bộ Công an thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân, không để đối tượng tấn công xâm nhập và lấy cắp dữ liệu.

Bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, bà con di dân tự phát ở Tây Nguyên là người có nguồn gốc người Việt Nam, chưa xác định quốc tịch Việt Nam, đang sinh sống trên đất nước Việt Nam tại đất rừng tự nhiên hơn 20 năm. Đến nay, những người này không có giấy tờ về đất đai, không có giấy tờ tùy thân. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an giải quyết căn cơ vấn đề pháp lý để dứt điểm tình trạng trên trong thời gian tới, nhằm bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, ở các tỉnh miền núi.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, đến nay, Bộ Công an đã xác định 100% mã số định danh cho công dân trong toàn quốc. Việc cấp giấy tờ, đặc biệt là xác định nhân hộ khẩu, cấp căn cước còn một số công việc nữa để tiếp tục cấp giấy tờ cho công dân.

Đối với các nhân khẩu đặc biệt như: con lai, người không có quốc tịch hoặc người từ trước đến giờ chưa có một loại giấy tờ gì… thì phải xác định, đánh giá, đặc biệt là đối với những công dân chưa có chỗ ở hợp pháp. Ở Tây Nguyên, số người di cư rất lớn, đất đai phức tạp, chưa xác định được nơi ở hợp pháp thì theo quy định của pháp luật chưa cấp được hộ khẩu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, theo quy định của Hiến pháp, người dân được cư trú bất kể nơi nào ở Việt Nam nhưng phải có chỗ ở hợp pháp. Đối với những người di cư vào Tây Nguyên, các cơ quan vẫn quản lý giấy tờ của người dân nhưng chưa cấp được hộ khẩu vì chưa có đất ở hợp pháp. Bộ trưởng cho rằng, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các cơ quan, các ngành để giải quyết vấn đề căn cơ về đất đai.

Cảnh tỉnh, răn đe, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước

Thời gian qua, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá rất cao vai trò của ngành công an trong việc điều tra phòng, chống tội phạm tham nhũng. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong việc tiếp tục điều tra các vụ án tham nhũng thời gian tới để đảm bảo các tiêu chí: không bỏ lọt tội phạm, đồng thời không làm oan người vô tội và khẳng định quan điểm chỉ đạo nhất quán của Trung ương cũng như của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, một lĩnh vực.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: Lực lượng công an triển khai, gương mẫu đi đầu trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên cả 3 phương diện.

Theo đó, công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực được ngành công an tích cực đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo coi đây là điểm sáng. Bên cạnh đó, ngành tập trung chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ. Để làm được điều đó, phải sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao ý thức, làm trong sạch nội bộ. Ngoài ra, ngành công an tập trung cải cách thủ tục hành chính, quản lý quản trị xã hội bằng pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, chứ không phải gây khó khăn, nhũng nhiễu.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Đặc biệt, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, với cải cách hành chính theo Đề án 06, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo triển khai, không chỉ với ngành công an mà cả các ngành. Nếu làm được thì không chỉ cải cách hành chính phục vụ nhân dân mà còn giảm hẳn được “tham nhũng vặt”- điều cử tri bức xúc phản ánh nhiều.

Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, thực tế điều tra, quyết định đến truy tố, xét xử nghiêm đối tượng tham nhũng với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, được thực hiện tốt. Việc này góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước. Từ đó tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành xu thế không thể đảo ngược.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, theo Bộ trưởng Tô Lâm, trước tiên cần tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, không để sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội.

Cùng với đó chỉ đạo rà soát, bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực, nhất là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương; quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để hình thành các đối tượng có thể thao túng được nhiều cơ quan như một số vụ án xảy ra vừa qua, ví dụ vụ Việt Á, “chuyến bay giải cứu”…

Ngoài ra, phải đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, góp phần hạn chế tham nhũng, nhất là với “tham nhũng vặt”.

Phan Phương (TTXVN)
Kiểm soát quyền lực là cái gốc của quá trình chống tham nhũng, hối lộ
Kiểm soát quyền lực là cái gốc của quá trình chống tham nhũng, hối lộ

Cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Cảng rất kỳ vọng Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán vừa được ban hành. Quy định này sẽ là một "thanh bảo kiếm" của tổ chức Đảng, chính quyền và các cơ quan hành pháp soi rọi vào quá trình kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN