Đại biểu Quốc hội các tỉnh Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đắk Nông thảo luận ở tổ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Đánh giá về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, đại biểu Y Khút Niê (Đăk Lăk) cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011 - 2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011 - 2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2018.
Đại biểu cho rằng, 4 nội dung này sát và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, được cử tri, đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Đại biểu thấy rằng việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị đang gây bức xúc trong nhân dân, được nhiều đại biểu lựa chọn. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, cũng cần được giám sát để tìm ra những điểm yếu, điểm chưa phù hợp trong quá trình hoạch định chính sách, từ đó đưa ra những chương trình, chính sách tốt hơn, giúp đồng bào vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và đời sống của đồng bào.
4 chuyên đề có tính cấp thiết và thời sự Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 4 chuyên đề đều có tính cấp thiết và thời sự. Theo đại biểu, chuyên đề thứ nhất và thứ hai có ảnh hưởng lớn. Vấn đề đất đô thị từ trước đến nay luôn phức tạp. Đối với chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đại biểu nêu ý kiến: Có rất nhiều chung cư hiện không bảo đảm được những tiêu chí về phòng cháy chữa cháy cho dân cư, cần được giám sát kỹ vấn đề này.
Đại biểu Phùng Đức Tiến cho biết thêm, khi tiến hành giám sát tối cao và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết có giá trị như luật. Ở khâu hậu giám sát giữa và cuối nhiệm kỳ, các bộ và Chính phủ phải giải trình được quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết này như thế nào. Đây cũng là một tiêu chí để bỏ phiếu tín nhiệm các bộ trưởng và các thành viên Chính phủ khi tổ chức thực hiện giám sát. Do đó, đây là thiết chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát.
Theo Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí: Là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.