Cộng đồng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài bày tỏ sự quan ngại sâu sắc việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam.
Ông Nguyễn Vũ Tùng (người đứng trên bục), Viện Biển Đông chia sẻ thông tin về Biển Đông với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức sáng 13/5. |
Trong buổi chia sẻ thông tin về Biển Đông do Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) vừa tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao đã khẳng định: Hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam đã đi ngược với điều mà họ cam kết trong phương châm 16 chữ: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt: "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Tại buổi chia sẻ này, các diễn giả Nguyễn Vũ Tùng (Viện Biển Đông), Nguyễn Thị Lan Anh (Học viện Ngoại giao Việt Nam), Lê Thanh Sơn (Liên đoàn luật sư Việt Nam) và nhà bình luận về quan hệ quốc tế Lê Văn Cương cùng hơn 300 đại biểu đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hữu nghị, đại diện các ban, đơn vị trong Liên hiệp Hữu nghị, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đã phản ứng mạnh mẽ về hành động ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Theo các diễn giả, hành động này là bất hợp pháp và đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, trực tiếp là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đi ngược lại nội dung thỏa thuận cấp cao giữa hai nước.
Ông Nguyễn Vũ Tùng, Viện Biển Đông cho rằng, hành động xâm phạm của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, làm cho dư luận Việt Nam cũng như khu vực và thế giới lo ngại, tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Dưới góc nhìn “Biển Đông và luật pháp quốc tế”, diễn giả của Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng: Đây là vụ việc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Lan Anh đã đưa ra sáu luận điểm chính có liên quan về luật pháp quốc tế, trong đó có ba văn kiện cơ bản: Thứ nhất đó là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thứ hai là Hiến Chương của Liên hợp quốc, thứ ba là các văn kiện khác có liên quan đến vụ việc này.
Trung Quốc đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Điều 56 và Điều 76 của Công ước Luật Biển năm 1982. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 nhằm mục đích thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên gắn liền dưới đáy biển ở thềm lục địa nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Điều 81 của Công ước Luật Biển năm 1982 cũng nói rằng: Mọi hoạt động tiến hành khoan, thăm dò hay vì bất kỳ mục đích gì trong thềm lục địa của một quốc gia ven biển phải được sự cho phép của quốc gia đó. Qua đó cho thấy, với tất cả cơ sở pháp lý này, Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Không chỉ vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cũng khẳng định rằng: Các quốc gia có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, không được sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực khi giải quyết tranh chấp trên biển. Song, trong những ngày qua, người dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài khi xem những đoạn video cho thấy: Hành động của Trung Quốc dùng vòi rồng phun vào các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam, sử dụng các tàu hộ vệ tên lửa, máy bay tuần tiễu; đặc biệt nguy hiểm hơn là những loại vũ khí luôn để ở chế độ sẵn sàng có thể nổ súng bất kỳ lúc nào… cho thấy đây là hành vi đe dọa sử dụng vũ lực đối với lực lượng chấp pháp có thẩm quyền, có quyền tài phán trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được qui định tại Điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc, đó là: Nguyên tắc hòa bình, giải quyết tranh chấp và nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực.
Trên cơ sở đó, cộng đồng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế trước hành động leo thang của Trung Quốc. Kiên trì thúc đẩy đàm phán trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời ra tuyên bố đề nghị Liên hợp quốc và ASEAN có các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột ở Biển Đông. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhận định, việc Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam sẽ góp phần làm ổn định môi trường hòa bình ở khu vực trên thế giới.
Bài và ảnh: Nguyễn Viết