Kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh:

Chăm lo xây dựng Đảng toàn diện

Kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh của Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907- 9/2/2017), chúng ta nhớ những đóng góp to lớn của ông trong công tác xây dựng Đảng.

Những nhiệm vụ được đặt ra nóng bỏng trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cũng không xa với những suy nghĩ chủ đạo của đồng chí Trường Chinh về vấn đề này.


Từ trong giai đoạn Đảng còn phải hoạt động bí mật hay khi đã giữ các chức vụ lãnh đạo ở cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội v.v..., công tác xây dựng Đảng luôn là mối quan tâm đặc biệt của đồng chí Trường Chinh. Không chỉ nêu, lãnh đạo, chỉ đạo mà đồng chí còn trực tiếp tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ xây dựng Đảng (toàn diện) cả về chính trị và tư tưởng, đường lối và tổ chức, đạo đức và tác phong.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Hùng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa II (4/1962). Ảnh: TTXVN

1. Sinh thời, đồng chí Trường Chinh luôn đặt ra yêu cầu thực hiện đầy đủ những điều làm nên sức sống và khẳng định vị trí lãnh đạo của Đảng: Các tổ chức Đảng từ cấp cơ sở đến Trung ương đều phải thực hiện nghiêm túc và thường xuyên nguyên tắc tập trung dân chủ, thành thực phê bình và tự phê bình, giữ nghiêm kỷ luật Đảng, tuân thủ pháp luật và những nguyên tắc đạo đức xã hội. 


Trong bài nói ngày 19/10/1986 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Hà Nội lần thứ X, trước thềm Đổi mới, Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: “Chúng ta không cho phép bất cứ cán bộ, đảng viên nào vi phạm kỷ luật và Điều lệ Đảng, không cho phép bất cứ ai ỷ vào quyền thế để làm trái pháp luật, xâm phạm những nguyên tắc về công bằng xã hội. Các đồng chí cần chú trọng làm thật tốt công tác này để khôi phục kỷ cương, duy trì kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Luận điểm này tiếp tục được nhấn mạnh trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986), Đại hội khởi đầu Đổi mới, cũng do đồng chí Trường Chinh đọc: “Bất cứ người lãnh đạo nào cũng không được tự đặt mình ngoài tổ chức, tự cho mình quyền nói và làm khác với quyết định của tập thể”.


Trong hoạt động thực tiễn, việc gặp phải những sai lầm, khuyết điểm là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi gặp sai lầm, khuyết điểm, điều quan trọng nhất là việc nhận thức, đánh giá và sửa chữa với tinh thần xây dựng và bằng cách nghiêm túc “phê bình và tự phê bình để tiến bộ”, với mục đích “sửa chữa để tiến lên” - như đồng chí Trường Chinh thường nhấn mạnh trong nhiều bài nói, bài viết của mình trên nhiều hội nghị, diễn đàn.


Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng trong mối liên hệ khăng khít với nhân dân là mảng công tác rất quan trọng. Kế thừa tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về thân dân, trọng dân, tin tưởng “dựa vào dân để sửa chữa bộ máy của ta” (Hồ Chí Minh), đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh một trong những bài học lớn nhất của cách mạng Việt Nam là: “Sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân”. Đảng giữ được uy tín và vai trò lãnh đạo nhân dân bằng đường lối chính sách đúng đắn. Việc tăng cường mối liên hệ khăng khít giữa dân với Đảng cũng là cơ sở quan trọng để Đảng có được đường lối, chính sách đúng, phù hợp với tình hình và nguyện vọng của nhân dân. 


Dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng Đảng trong các mối kiểm chứng từ thực tiễn đời sống xã hội của nhân dân là luận điểm quan trọng của đồng chí Trường Chinh khi ông nhận thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng là do những bất hợp lý về đường lối - đã tỏ ra trì trệ, lạc hậu, sơ cứng trong tư duy - so với thực tiễn sinh động đã phát triển. Đường lối, chính sách đúng phải tuân thủ quy luật phát triển của xã hội, phù hợp với thực tiễn và phải được nhân dân ủng hộ thực hiện. Đây cũng là cơ sở của tư tưởng “Lấy dân làm gốc” được nhấn mạnh trong Đổi mới mà vai trò của đồng chí Trường Chinh được đánh giá nổi bật.


2. Ngay trong những tháng đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, đồng chí Trường Chinh yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Khắc phục ngay tình trạng cấp ủy bao biện công việc của chính quyền; khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước và pháp luật (là sự thể chế hóa đường lối của Đảng) phải được thực hiện thống nhất và nghiêm minh. “Phải dùng sức mạnh của pháp chế xã hội chủ nghĩa kết hợp với dư luận quần chúng để đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật”. Cuộc đấu tranh đó cũng là biểu hiện của sự đoàn kết, sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng.


Trên một khía cạnh khác, khi đặt ra yêu cầu cao trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, tăng cường kỷ luật Đảng, đồng chí Trường Chinh cũng đồng thời yêu cầu các tổ chức đảng, các đảng viên nâng cao năng lực và hiệu quả công tác của bộ máy nhà nước, làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa công tác xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền, cũng như cả hệ thống chính trị. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có mối liên hệ chặt chẽ với việc kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả, với đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, năng động và nêu cao trách nhiệm trước công việc, trước nhân dân. Những điều đó hôm nay chúng ta vẫn đang nỗ lực thực hiện.


Theo tinh thần lớn của Đổi mới, cùng với đổi mới tư duy, thay đổi cơ chế, còn là những yêu cầu về đổi mới công tác cán bộ của Đảng. Đồng chí Trường Chinh đã đặt ra yêu cầu về xây dựng tiêu chuẩn đánh giá cán bộ đồng thời với cơ chế quản lý cán bộ, trong đó xác định trách nhiệm của các cấp ủy ở tất cả các ngành và địa phương với việc quản lý cán bộ của mình, coi đây là chức năng quan trọng không thể thiếu của cơ quan lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Trường Chinh cũng chỉ rõ tình trạng tiêu cực vẫn thường xảy ra là quan liêu, cửa quyền trong công tác lựa chọn, bố trí cán bộ. Những điều này đã gây ra nhiều hệ lụy, làm mất lòng tin của nhân dân nhưng chậm được khắc phục, thậm chí trầm trọng hơn. Các biến tướng tiêu cực trong công tác cán bộ ngày nay đa dạng và tinh vi hơn. 


Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ trong phần thứ 8 của những Biểu hiện về suy thoái đạo đức lối sống: “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Để có thể phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng và sử dụng những cán bộ, đảng viên trẻ, có tài năng cho Đảng cần xóa bỏ tình trạng lựa chọn, bổ nhiệm bằng các mối “quan hệ riêng” - họ hàng, phe nhóm thân hữu hoặc bằng hối lộ, mua quan bán chức. Cách đây 30 năm, đồng chí Trường Chinh đã nêu những giải pháp: Dân chủ hóa công tác cán bộ bằng những quy chế rõ ràng, bảo đảm tính tập thể và dân chủ trong các quyết định về cán bộ, đồng thời nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu với những quyết định bổ nhiệm. Những giải pháp này đến nay vẫn chưa hề cũ.


Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 60 năm không ngừng nghỉ, đồng chí Trường Chinh đã để lại nhiều cống hiến trong lĩnh vực xây dựng Đảng. Những luận điểm lý luận sâu sắc ở tầm vĩ mô và hoạt động thực tiễn phong phú của đồng chí có giá trị lớn, lâu dài, hôm nay vẫn đồng hành cùng chúng ta trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới.


Ngữ Thiên (TTXVN)
Đổi thay trên quê hương Tổng Bí thư Trường Chinh
Đổi thay trên quê hương Tổng Bí thư Trường Chinh

Nam Định tự hào là mảnh đất quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của người đã khích lệ tinh thần đoàn kết, động lực để các tầng lớp nhân Nam Định thi đua thực hiện nhiệm vụ xây dựng quê hương, đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN