Ngày 13/3, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã tiến hành chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử. Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước tiện theo dõi.Đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các đại biểu tập trung chất
vấn về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường
oan sai theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Với
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các chất vấn tập trung vào việc thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ
trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã
an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn...
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: An Đăng – TTXVN |
Trọng tâm các chất vấn của đại biểu dành cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình xoay quanh 5 vụ án đang dư luận xã hội quan tâm: Vụ án Hồ Duy Hải tại Long An bị xét xử về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”; vụ án Nguyễn Văn Chưởng tại Hải Phòng bị xét xử về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”; vụ án Lê Bá Mai tại Bình Phước bị xét xử về các tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”; vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang; vụ án Huỳnh Văn Nén tại Bình Thuận bị xét xử về các tội “Giết người”, “Cố ý hủy hoại tài sản” và “Cướp tài sản”.
Trả lời chất vấn của đại biểu về vụ án Hồ Duy Hải tại Long An, bị xét xử về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, vụ việc đang được xem xét một cách thận trọng, nếu bị oan thì kết luận oan và giải oan; nếu có tội, phải xác định rõ căn cứ buộc tội theo đúng pháp luật để không bỏ lọt tội phạm.
Vụ án Hồ Duy Hải tại thời điểm xảy ra gây bức xúc trong công luận và gia đình bị hại, xã hội yêu cầu điều tra làm rõ để trừng trị tội phạm. Cơ quan Công an đã tiến hành điều tra, truy xét. Đây là vụ án truy xét, không bắt quả tang nên quá trình củng cố chứng cứ rất khó khăn.
“Quá trình điều tra, nghi can Hồ Duy Hải đã nhận tội. Sau đó, Viện kiểm sát đã truy tố, rồi Tòa án xét xử và bị cáo đã nhận tội. Bị cáo cũng khẳng định là không có bức cung, nhục hình. Do vậy, các phiên Tòa sơ thẩm, phúc thẩm đã kết án tử hình Hồ Duy Hải”, Chánh án cho biết.
Chánh án Trương Hòa Bình chỉ rõ, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án, Tòa chưa phát hiện căn cứ kháng nghị, mặc dù có một số thiếu sót trong quá trình thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra. Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm của Hồ Duy Hải.
Lý giải việc chưa thi hành án đối với Hồ Duy Hải, Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng, ngoài vấn đề xử lý theo pháp lý cần tôn trọng nguyện vọng của gia đình bị cáo và công luận. “Mẹ bị cáo xin giảm thi hành án và có đơn gửi Chủ tịch nước. Chủ tịch nước có ý kiến yêu cầu xem lại có oan hay không. Đoàn liên ngành đã và đang xem xét thẩn trọng lại lần nữa vụ án để đánh giá toàn diện, đầy đủ, khách quan về chứng cứ và áp dụng pháp luật xử lý đúng đắn”, ông Trương Hòa Bình nói.
Giải trình thêm về vụ án Hồ Duy Hải, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, Bộ Công an đang phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại vụ án; đồng thời nhấn mạnh qua chứng cứ có thể thấy Hải gây ra tội, nhưng quá trình thu thập chứng cứ cần đánh giá rõ hơn.
Liên quan đến tình hình oan sai trong công tác điều tra, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng: Chúng ta chưa tập trung tôn trọng chứng minh sự thật khách quan.
“Quan điểm xem xét đánh giá chứng cứ chủ yếu trọng cung hơn chứng cứ, trong khi ngược lại, không dễ tin gì các lời khai. Đây là vấn đề tố tụng. Còn năng lực, phẩm chất, trách nhiệm của cán bộ điều tra có người chưa tuân thủ; có trường hợp tư tưởng thành tích nên dẫn đến có bức cung, nhục hình, oan sai”, ông Lê Quý Vương thẳng thắn cho biết.
Về vụ án Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, Viện kiểm sát đã có kháng nghị theo hướng giảm tử hình xuống chung thân, nhưng Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhan dân tối cao không đồng ý và bác kháng nghị bởi vì căn cứ vai trò của Chưởng là người cầm đầu, chủ mưu nên hậu quả đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó. Tuy việc tấn công của Chưởng không trực tiếp khiến nạn nhân tử vong, nhưng người gây tử vong cho nạn nhân thuộc băng nhóm của Chưởng (Chưởng cầm đầu, chỉ huy). Vụ án này đang được Quốc hội giám sát, nên Tòa án nhân dân tối cao chờ kết luận và sẽ tiếp tục xem xét một cách thận trọng. Vụ án này không phải là án oan.
Liên quan đến kết quả giải quyết vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, Chánh án Trương Hòa Bình giải thích, các cơ quan tố tụng đã tiến hành giải quyết vụ việc một cách quyết liệt, hiện đang chờ gia đình ông Chấn giao các tài liệu chứng minh để giải quyết việc bồi thường.
“Tòa án đã nhiều lần có văn bản gửi, mời ông Chấn và đề nghị cung cấp giấy tờ liên quan bồi thường để thực hiện theo quy định những vẫn chưa thấy cung cấp. Đại diện Tòa án nhân dân tối cao đã đến gặp đề nghị cung cấp tài liệu và gia đình ông Chấn cho biết hồ sơ đã gửi luật sư nhưng luật sư chưa cung cấp cho tòa. Tòa cũng đã liên hệ với luật sư đề nghị cung cấp tài liệu”, Chánh án cho biết.
Cũng xoay quanh tình hình oan, sai trong xét xử các vụ án hình sự, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn: “Khi xử oan sai thì trách nhiệm như thế nào. Tòa có quyền buộc tội, người buộc tội là Thẩm phán. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa mới là người chịu trách nhiệm, vậy đã tính đến việc buộc tội người ấy chưa. Theo tôi, người mà xử oan, người đó phải chịu tội. Cán bộ điều tra mà bức cung, nhục hình thì phải chịu tội. Kiểm sát viên truy tố và cáo trạng mà sai thì phải có trách nhiệm. Chúng ta có làm minh bạch như thế được không? Trong lịch sử, ngành Tòa án đã tự tìm ra cái sai của mình chưa? Khi tìm ra cái sai của mình, đã xử như thế nào, đảm bảo xử nghiêm chưa?".
Trà lời chất vấn trên của Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng, theo quy định của pháp luật tố tụng, mỗi cấp Tòa án có thẩm quyền xét xử độc lập, nhưng trình tự sơ thẩm nếu sai sẽ xét xử phúc thẩm; nếu phúc thẩm sai sẽ Giám đốc thẩm.
Trong quá trình xét xử còn thời hiệu, chuyển sang phúc thẩm, nếu có kháng cáo, kháng nghị thì phúc thẩm sẽ xem xét và giải quyết vụ án. Nếu kháng cáo, kháng nghị đúng thì phúc thẩm sửa sơ thẩm. Nếu sửa trong trường hợp oan, Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội, có nghĩa Toà án tự sửa. Nếu án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, không có phúc thẩm, cấp Giám đốc thẩm vẫn xét xử khi thấy có căn cứ kháng nghị.
Chánh án cũng cho biết, theo quy định, các Tòa án sau khi xét xử xong, tự mình thấy bản án có dấu hiệu oan sai phải báo cáo Chánh án và đề nghị Chánh án kháng nghị theo thẩm quyền. Đó là quy định buộc các Tòa án phải kiểm tra các bản án của Tòa cấp mình, nếu có sai thì kiến nghị, kháng nghị.
Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/3. Ảnh: An Đăng – TTXVN |
Đối với vấn đề xử lý trách nhiệm của Thẩm phán khi có oan sai, Chánh án Trương Hòa Bình lý giải, khi xác định án oan sẽ có nhiều hình thức để xử lý. Nếu oan không nghiêm trọng và không phải do lỗi chủ quan, trong quá trình xem xét tái bổ nhiệm sẽ dừng lại, không tái bổ nhiệm. Nhưng khi để xảy ra oan, Tòa án đó phải tổ chức kiểm điểm Hội đồng xét xử và kiểm điểm Thẩm phán để xác định trách nhiệm, đồng thời đánh giá việc làm oan này là chủ quan hay khách quan.
Sau đó quy trình là xem xét, nếu thấy sai nghiêm trọng sẽ đình chỉ xét xử, rồi mới xem xét trách nhiệm khi tái bổ nhiệm. Nếu có dấu hiệu cố ý vi phạm pháp luật dẫn đến oan sai thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu không phải cố ý, mức độ không nghiêm trọng, không xem xét về trách nhiệm hình sự, sẽ xem xét trách nhiệm bồi thường.
Nếu do Tòa án làm oan khi xét xử, Tòa án phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của Luật Bồi thường Nhà nước. Qua phần trả lời của Chánh án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Tất cả các vụ xét xử rồi, kết án rồi mà oan sai, dù sai ở đâu, từ điều tra, bức cung nhục hình hay kiểm sát viên truy tố, cáo trạng… mà đã qua xét xử rồi, quyền xét xử là của Tòa án; quyền buộc tội là của Tòa án; quyền tuyên vô tội của Tòa án, nếu để oan sai, thì trách nhiệm của Tòa án. Bất kể sai ở đâu nhưng nếu để người công dân bị buộc tội oan sai, trách nhiệm thuộc về Tòa án, mà người trực tiếp chịu trách nhiệm là Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa và tập thể Hội đồng xét xử ấy phải chịu; trong đó người chịu trách nhiệm chính trị cao nhất là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”.
Nhất trí với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định, nếu Tòa án đưa ra xét xử, từ cấp sơ thẩm trở đi, sau đó hậu quả để oan sai, Tòa phải chịu trách nhiệm, vì đã qua xét xử. Nhưng nếu chưa đưa ra xét xử, oan sai ở giai đoạn nào, cơ quan đó chịu trách nhiệm.