Ngày 20/8, tỉnh Tiền Giang tổ chức kỷ niệm 150 năm Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1964-20/8/2014). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ và dâng hương tại khu mộ, đền thờ Anh hùng Trương Định tại thị xã Gò Công và xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tưởng niệm tại tượng đài Anh hùng Dân tộc Trương Định. Ảnh: Thanh Vũ–TTXVN |
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Trần Thế Ngọc đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống về thân thế và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, cách đây hơn 150 năm.
Trương Định sinh năm 1820 tại thôn Trường Định, xã Tư Cung, Phủ Bình Sơn, nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quãng Ngãi. Năm 24 tuổi, ông theo cha vào Nam chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền tại xã Gia Thuận (Gò Công Đông, Tiền Giang) hiện nay. Khi thực dân Pháp tấn công thành Gia Định, ông đem cơ binh gia nhập quân triều đình Huế chống giặc và lập nhiều chiến công, vang dội nhất là trận phục kích giết chết tên đại úy Barbe vào ngày 7/12/1860.
Khi triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất (1862) giao 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho thực dân Pháp đồng thời hạ lệnh cho Trương Định bãi binh để nhận chức Lãnh binh tại An Giang, ông khẳng khái khước từ để ở lại tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp, được nhân dân mến mộ phong tặng danh hiệu “Bình Tây Đại nguyên soái”
Đêm 19/8/1864, tên phản bội Huỳnh Công Tấn dẫn một toán lính bao vây đánh úp căn cứ của nghĩa quân Trương Định nằm trên địa bàn hai xã Tân Phước và Gia Thuận (Gò Công Đông) ngày nay. Mặc dù chống trả quyết liệt nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân thiệt hại nặng, Trương Định bị trọng thương và anh dũng rút gươm tuẫn tiết để không rơi vào tay giặc, khi ông mới tròn 44 tuổi. Thời điểm đó vào lúc rạng sáng ngày 20/8/1864.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm nhà trưng bày hiện vật về Anh hùng Dân tộc Trương Định. Ảnh: Thanh Vũ–TTXVN |
Tính từ khi tham gia chống Pháp ở mặt trận Gia Định những ngày đầu tiên chúng xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến do Trương Định lãnh đạo kéo dài 6 năm. Ông mất đi nhưng tấm gương bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước còn mãi, được các thế hệ con cháu nối tiếp nhau phát huy, đồng lòng đánh đuổi thực dân, đế quốc đến khi giành được độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc trọn vẹn dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vào ngày 30/4/1975.
Cảm phục người Anh hùng dân tộc một lòng “vị quốc vong thân”, nhân dân Tiền Giang đã xây mộ và đền thờ ông tại thị xã Gò Công cũng như lập khu đền thờ và trưng bày hiện vật về cuộc kháng chiến oanh liệt của Trương Định tại xã Gia Thuận, nhằm giáo dục truyền thống cho con cháu hôm nay. Vào ngày 20/8 hàng năm, lễ kỷ niệm ngày tuẫn tiết của Anh hùng dân tộc Trương Định được tổ chức long trọng với sự tham gia của các cấp, các ngành, của đông đảo quần chúng nhân dân trong ngoài tỉnh.
Năm nay, lễ kỷ niệm 150 năm Trương Định tuẫn tiết diễn ra trong 4 ngày (từ 17- 20/8), với nhiều hoạt động sôi nổi gồm: thi đấu thể dục thể thao, thi nấu cơm, hội thi đờn ca tài tử, thi chưng nghi và các trò chơi dân gian... Riêng trong buổi lễ chính vào ngày 20/8 tại khu vực tượng đài Trương Định (thị xã Gò Công) đã có trên 2.000 người tham gia với nhiều hoạt động tưởng niệm thiết thực: ôn lại truyền thống thân thế và sự nghiệp Anh hùng dân tộc Trương Định, đặt tràng hoa, dâng hương ở Tượng đài Trương Định; dâng hương tại các cơ sở thờ tự, khu mộ và đền thờ ông tại thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông...
Công Trí