Cùng dự cuộc làm việc có: Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình…
Qua trao đổi cụ thể về các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, công tác dân nguyện, cụ thể là công tác tiếp công dân, tham mưu và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và nhân dân đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Dù khối lượng công việc ngày càng nhiều, tính chất nhạy cảm, phức tạp trong khi các điều kiện bảo đảm hoạt động cả về tổ chức, bộ máy, nhân lực cũng còn nhiều khó khăn nhưng công tác dân nguyện của Quốc hội nói chung và công tác của Ban Dân nguyện nói riêng đã đóng góp quan trọng vào thành công chung của Quốc hội Khóa XIV. Công tác dân nguyện đã thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và nhân dân, được dư luận xã hội và nhân dân đồng tình, hoan nghênh. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Quốc hội, với Đảng và Nhà nước; góp phần hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, trong điều kiện kinh tế, xã hội đang phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay, cơ chế chính sách nhiều khi chưa theo kịp đòi hỏi của cuộc sống… thì ý kiến, kiến nghị của cử tri, của nhân dân ngày càng tăng là một thực tế khách quan. “Điều quan trọng là thái độ, cái nhìn của chúng ta để quyết tâm giải quyết các vấn đề người dân đặt ra sao cho thấu tình đạt lý; phải cộng đồng trách nhiệm, quan tâm giải quyết các vấn đề của người dân với tính xây dựng cao, trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và quy định pháp luật của Nhà nước. Trên tinh thần đó, công tác dân nguyện sẽ dần đi vào nền nếp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Từ thực tế các cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, cử tri đánh giá rất cao thành quả chung của đất nước và cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Uy tín của Quốc hội trong lòng cử tri ngày càng cao lên. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, công tác dân nguyện là nhiệm vụ chung của Quốc hội chứ không chỉ riêng Ban Dân nguyện. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội đều phải làm và phải phối hợp với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Ban Dân nguyện tập trung triển khai hiệu quả chương trình giám sát năm 2021; chủ động nghiên cứu đề xuất hoạt động giám sát trong năm 2022 và cả nhiệm kỳ về giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Nên chăng có kiểm đếm hồ sơ các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, tập trung đông người, thông qua giám sát để có Nghị quyết như Quốc hội đã làm trong Khóa XIII. Có thể đề xuất để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vấn đề liên quan đến kiến nghị của cử tri. Nhấn mạnh, công tác này cần được đo lường bằng những sản phẩm cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, từ việc làm điểm sẽ có tác dụng lan tỏa.
Cùng với đó, Ban Dân nguyện cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đẩy mạnh công tác dân nguyện, đổi mới nâng cao chất lượng giám sát; tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện công tác dân nguyện đối với Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; quan tâm hơn nữa đến công tác “hậu” giám sát, đeo bám đến cùng. Bởi nếu giải quyết tốt từ cấp dưới thì số lượng đơn thư, kiến nghị dồn lên cấp trên sẽ càng ít đi; cấp trên sẽ tập trung giải quyết được những vụ việc phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành hoặc thẩm quyền cao hơn.
Chủ tịch Quốc hội gợi mở, Ban Dân nguyện cần nghiên cứu cơ chế cung cấp thông tin; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để thông tin đầy đủ, kịp thời về công tác dân nguyện của Quốc hội, mở các chuyên san, chuyên mục, nhất là đối thoại chính sách. Điều quan trọng là, thông qua theo dõi, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và nhân dân thì đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật như thế nào.
Ban Dân nguyện nghiên cứu, đề xuất cơ chế giao ban định kỳ về công tác dân nguyện của Quốc hội; tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa công tác dân nguyện của Quốc hội với các cơ quan hữu quan, cơ chế phối hợp của Ban Dân nguyện với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị như Thanh tra Chính phủ hay cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc…; xây dựng Đề án tổng thể về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ban Dân nguyện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Ban Dân nguyện tiếp tục rà soát nghiên cứu để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi các nghị quyết về hướng dẫn thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, cập nhật các quy định mới của Đảng và Nhà nước để tăng cường năng lực, hiệu lực công tác dân nguyện của Quốc hội.