Nêu gương từ việc nhỏ đến việc lớn
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Lợi, Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), xây dựng Đảng về đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng là vấn đề hệ trọng, 1 trong 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đảng có quan điểm sâu sắc về công tác cán bộ; trong đó, “công tác cán bộ là then chốt của then chốt” trong xây dựng Đảng và là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng Việt Nam. Xây dựng Đảng về đạo đức phải kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện chuyên môn và lý luận chính trị. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng là nền tảng căn bản, là gốc rễ để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và xây dựng đạo đức công vụ.
Tâm đắc nhất Điều 5 trong Quy định số 144: "Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Lợi cho rằng, thực tế chứng minh, sự thành công của Đảng và lòng tin của nhân dân vào Đảng phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: Khả năng đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn và sự tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đảng viên phải là người gương mẫu về đạo đức, lối sống, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không bị chi phối bởi “lợi ích nhóm”, không để người nhà, người thân lợi dụng vị trí công tác để “trục lợi”. Họ phải luôn nêu gương trong việc “nói đi đôi với làm”; đi đầu, gương mẫu về phong cách làm việc dân chủ, sâu sát cơ sở, thường xuyên lắng nghe, đối thoại với nhân dân và giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân, luôn lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Hơn nữa, đó còn là trách nhiệm tiên phong của đảng viên trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Người cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm nêu gương từ việc nhỏ đến việc lớn trong cả lĩnh vực công tác và sinh hoạt đời thường.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Lợi đề xuất, chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới phải được xây dựng trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người cách mạng; có sự kế thừa những chuẩn mực đạo đức cách mạng đã được xác định trong các văn kiện của Đảng; được sàng lọc, kiểm chứng và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, có sự tiếp thu, bổ sung những giá trị đạo đức mới, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của giai đoạn mới.
Trách nhiệm chính trị thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên
Theo ông Trần Quang Đẩu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ban hành Quy định 144 là bước tiến trong cụ thể hóa hơn nữa các quy định đối với cán bộ, đảng viên mà Đảng ta đã ban hành trước đó. Với 19 nội dung rất ngắn gọn, súc tích, cô đọng và cụ thể, được thể hiện trong 5 điều, Quy định số 144 vừa bao hàm toàn diện các nội dung quy định người cán bộ, đảng viên phải thực hiện đối với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc vừa nêu rõ các yêu cầu cụ thể về phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên.
Để Quy định số 144 của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn, trở thành trách nhiệm chính trị thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, ông Trần Quang Đẩu cho rằng, trước hết, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp phải đưa nội dung quán triệt Quy định số 144 của Bộ Chính trị vào các nghị quyết ở cấp mình. Các nội dung về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới phải được quán triệt đầy đủ, sâu sắc; xác định rõ những chủ trương, biện pháp lãnh đạo phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, cấp ủy, tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ ở các cơ quan, đơn vị được xác định làm điểm cần chủ động, tích cực trong xây dựng kế hoạch, xác định nội dung điểm và triển khai thực hiện quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị mình. Quá trình thực hiện phải phát huy tốt vai trò chủ động, sáng tạo của các tổ chức, lực lượng trong cơ quan, đơn vị nhằm tìm ra những cách làm hay, cách làm mới, điển hình về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, tiến tới nhân rộng ra toàn cơ quan, đơn vị.
Đối với tổ chức, cơ sở Đảng, ông Trần Quang Đẩu đề xuất cần tập trung xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh, chấp hành nghiêm nguyên tắc, chế độ sinh hoạt Đảng. Các chi bộ Đảng phải tiến hành tốt hơn nữa công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, chú ý đến tất cả mối quan hệ xã hội, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ tự phê bình và phê bình. Theo ông Trần Quang Đẩu, tự phê bình và phê bình phải gắn với công tác kiểm tra và xử lý kỷ luật, giúp phát hiện và xử lý chính xác, kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm Quy định số 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.