Tại buổi họp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh, lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ Vĩnh Long gắn liền với xây dựng, phát triển và lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 3/1930, Chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Ngã tư Long Hồ, tạo tiền đề để thành lập Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long vào tháng 2/1931 với 12 chi bộ và hai đảng bộ là quận Châu Thành (nay là huyện Long Hồ), quận Tam Bình, với hơn 100 đảng viên.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.975 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và hơn 44.000 đảng viên. Cùng với chặng đường xây dựng và phát triển của đất nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã quyết tâm đoàn kết, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào tình hình thực tế của địa phương; vượt qua những khó khăn, thách thức, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2023, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long đã đồng lòng, chung sức thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 khâu đột phá và 7 chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra, qua đó tạo bứt phá trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt Nghị quyết đề ra. Kinh tế tỉnh duy trì trì tăng trưởng khá, lĩnh vực kinh tế nông nghiệp có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tỉnh Vĩnh Long được nâng lên.
Tỉnh thực hiện vượt chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới trước 2 năm (giai đoạn 2020 - 2025). Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công với nước, chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo còn dưới 1%; toàn tỉnh không còn nhà dột nát…
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh, năm 2024 là năm thứ tư của nhiệm kỳ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục chung sức, đồng lòng, phấn đấu đưa Vĩnh Long phát triển thành tỉnh khá của Đồng bằng sông Cửu Long. Vĩnh Long phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục giữ mức tăng trưởng kinh tế trên 6%.
Tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá, chương trình trọng tâm, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao năng suất, chú trọng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị lớn gắn với phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, tạo bước đột phá trong bảo quản, chế biến nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường để góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cư dân nông thôn.
Tỉnh tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống người dân, đồng thời tăng cường quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Long tập trung chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, gắn với tiếp tục thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Trung ương, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tại buổi họp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long ghi nhận quá trình cống hiến, công lao của các đảng viên cao tuổi đối với sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đồng thời bày tỏ mong muốn thời gian tới, các đảng viên tiếp tục nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đảng viên.
Dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong đợt này, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long có 278 đảng viên (từ 30 - 65 năm tuổi Đảng) được nhận Huy hiệu Đảng. Tại buổi họp mặt, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã trao Huy hiệu Đảng Đợt 3 tháng 2 tặng 54 đảng viên từ 50 năm tuổi Đảng trở lên.