Theo bài báo, Ban lãnh đạo mới của Việt Nam đã sẵn sàng đảm nhận trọng trách to lớn hơn trước. Trong bốn trụ cột mới của Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được đông đảo người dân Nga biết đến và tin tưởng; Thủ tướng Phạm Minh Chính được coi là "Thủ tướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” ở Việt Nam. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đảm nhiệm trọng trách to lớn trong bối cảnh hợp tác liên nghị viện đang trở thành nhân tố quan trọng của an ninh và ổn định thế giới, việc kiểm soát tuân thủ hiệp định giữa các quốc gia là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cũng theo tác giả, Đảng Cộng sản Việt Nam - một tổ chức đã chứng tỏ được uy tín và kinh nghiệm trong cả chiến tranh và thời bình - vẫn lãnh đạo toàn diện hệ thống chính trị của đất nước. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tích lũy được tiềm lực kinh tế đáng kể, không chỉ sẵn sàng vươn lên trình độ phát triển mới và tiên tiến, mà còn đứng vào nhóm những nền kinh tế hàng đầu ở châu Á. Trên thực tế, Việt Nam nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất và 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trên thế giới hiện nay. Ngay cả trong bảng xếp hạng “quyền lực mềm”, Việt Nam cũng đã tăng 4 bậc, cho thấy tính chuyên nghiệp trong công tác thông tin của các cơ quan truyền thông hàng đầu của Việt Nam, nơi mà lời nói luôn đi đôi với hành động.
Kết thúc bài báo, tác giả nhấn mạnh bộ máy lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã được hoàn thiện và sẵn sàng hoàn thành các nhiệm vụ khó khăn hơn, tham vọng hơn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.