Trên đây là đánh giá của giới chuyên gia tại Viện Các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore ngày 28/7 nhân tròn 25 năm Việt Nam trở thành thành viên của hiệp hội.
Chúc mừng Việt Nam nhân sự kiện này, Phó Giáo sư Simon Tay, Chủ tịch SIIA, đánh giá Việt Nam có những đóng góp to lớn cho hiệp hội và luôn là một nhân tố trung tâm của ASEAN, đặc biệt trong năm Chủ tịch ASEAN này. Ông đánh giá sự mở cửa của Việt Nam với thế giới là bước đi vượt trội. Cũng theo ông, ASEAN đã phát triển một thời gian dài và ASEAN ngày nay gắn kết hơn so với trước đây.
Trong khi đó, bà Jessica Wau, Phó Giám đốc SIIA phụ trách nghiên cứu về ASEAN, đánh giá cao vai trò dẫn dắt ASEAN của Việt Nam trong năm Chủ tịch 2020. Thế giới và khu vực đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong bối cảnh đó, cách thức Việt Nam đối phó với đại dịch rất ấn tượng. Theo bà, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong vai trò dẫn dắt ASEAN, tổ chức hội nghị thượng đỉnh về COVID-19, kêu gọi và thuyết phục các nước đối thoại, hợp tác để đối phó với đại dịch, đặc biệt trong việc thúc đẩy một phản ứng “rất gắn kết và chủ động thích ứng” của ASEAN trong năm đầy thách thức này.
Các chuyên gia SIIA nhận định, trong đối phó với thách thức của đại dịch COVID-19, có thể thấy, ở cấp độ tập thể, ASEAN đã hành động rất tích cực và hiệu quả. Với tư cách là một thể thống nhất, ASEAN đã phối hợp tốt, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh. Từ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN của Việt Nam, từ cách thức tổ chức các hội nghị cấp cao của ASEAN, cả nội khối và với các đối tác, có thể thấy ASEAN đã duy trì được “sự tự chủ chiến lược” và trong tương lai, ASEAN hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa.
Ông Simon Tay đánh giá, hiện nay đại dịch COVID-19 vẫn là thách thức lớn nhất với khu vực. Điểm đáng khích lệ là hầu hết các nước đều cơ bản giữ số ca lây nhiễm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, ở quy mô toàn cầu, số ca lây nhiễm tiếp tục gia tăng. Ngay cả tại những nước thành công trong việc ngăn chặn trước đây, làn sóng dịch bệnh thứ hai hay thứ ba đã xuất hiện trở lại. Thách thức thứ hai là nền kinh tế toàn cầu bị tổn hại nghiêm trọng và câu hỏi về trật tự thế giới hiện nay. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng và có xu thế leo thang, kéo theo những tác động không nhỏ tới phần còn lại của thế giới.
Chính vì thế, theo bà Jessica Wau, ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong thời gian tới sẽ là hồi phục kinh tế sau đại dịch. Để sự phục hồi đạt hiệu quả, ASEAN cần duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá mở, đánh giá về mức độ gián đoạn trong giai đoạn đầu và có biện pháp khắc phục. Ưu tiên tiếp theo là thiết lập cơ chế đi lại trong nội khối với các biện pháp an toàn để bảo đảm sự hội nhập và kết nối vốn có cũng như bảo đảm nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cho tới khi có vaccine phòng bệnh. Các chuyên gia lấy Việt Nam là ví dụ điển hình cho việc "mở cửa" để các chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc,... vào làm việc. Do đó, các nước cần phối hợp bàn thảo về các biện pháp thiết lập hành lang đi lại an toàn.