Khi những băn khoăn về số lượng cấp phó chưa kịp lắng xuống, dư luận lại dấy lên những lo ngại mới về việc bổ nhiệm hàm chức danh lãnh đạo quản lý. Câu hỏi khó mà đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) dành cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội gần đây về tiêu chuẩn, chức năng, vai trò, nhiệm vụ của chức danh này trong bộ máy hành chính, có hàm giám đốc hay hàm trưởng phòng hay không đã cho thấy một thực tế: bổ nhiệm cấp hàm khá dễ dãi. Có cơ quan ban hành cả quy định về bổ nhiệm cấp hàm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, hiện nay, trong các văn bản quy định của Nhà nước về công tác bổ nhiệm cán bộ không có quy định nào về hàm. Song, thực tế tại nhiều bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã vận dụng cho hưởng chế độ hàm đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nhận thấy đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, ngày 11/6/2014, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi các bộ, ngành đề nghị cung cấp danh sách cán bộ, công chức, viên chức được vận dụng cho hưởng chức danh hàm lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 18 bộ, cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan thuộc Chính phủ, hiện nay có 339 công chức, viên chức đang được vận dụng hưởng chế độ hàm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên. Trong đó, hưởng chế độ hàm vụ trưởng là 96, chế độ hàm phó vụ trưởng là 150, hưởng chế độ hàm trưởng phòng là 76, hưởng chế độ hàm phó phòng là 17. Việc quyết định vận dụng hưởng chế độ hàm chức danh lãnh đạo, quản lý do các bộ, ngành quyết định đối với từng nhân sự cụ thể trong quá trình bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, một số bộ, ngành ban hành cả quy chế bổ nhiệm hàm.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Bùi Mạnh Hùng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII. Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN |
Điều lo ngại của đại biểu Quốc hội đã được làm rõ: có cả hàm trưởng, phó phòng. Trong danh sách cán bộ, công chức dự thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính năm 2014 niêm yết tại Bộ Nội vụ, nhiều người đang là chuyên viên nhưng hưởng hàm Trưởng phòng, là Giám đốc hàm Trưởng phòng. Bộ Kế hoạch - Đầu tư có tới 4 công chức đi thi chuyên viên chính được bổ nhiệm hàm Trưởng phòng, một công chức bổ nhiệm hàm Phó Vụ trưởng.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng nhiều trường hợp cán bộ, chuyên viên có trình độ chuyên môn cao không thể bổ nhiệm lãnh đạo do số lượng cấp phó có hạn, vì thế có thể bổ nhiệm hàm để “đảm bảo vị thế, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm việc”. Bổ nhiệm hàm không phải là để giải quyết chế độ chính sách, để cho “oai” mà chỉ nhằm mục đích để người làm việc ở các cấp chiến lược có thể có vị thế làm việc tốt hơn.
Theo một số văn bản quy định, những người được bổ nhiệm hàm chỉ được hưởng phụ cấp trách nhiệm, không hưởng phụ cấp lãnh đạo vì không tham gia việc điều hành trong các cơ quan, tổ chức. Hàm gắn liền với trách nhiệm của họ. Họ được hưởng phụ cấp trách nhiệm và không nên coi đó là sự lãng phí bởi những người hưởng hàm phải là những người thực sự có tài năng, có chuyên môn nghiệp vụ cao và cơ quan, tổ chức rất cần. Sự cống hiến, trình độ chuyên môn của họ xứng đáng được đề cao, tôn vinh . Đó cũng là chính sách để thu hút những người có tài năng tham gia vào những cơ quan chiến lược, cơ quan có ảnh hưởng trong việc xây dựng, hoạch định chính sách - ông Tuấn khẳng định.
Về bổ nhiệm hàm, ông Trần Anh Tuấn cho rằng bổ nhiệm hàm là cần thiết. Có những cán bộ, công chức không có nhu cầu làm lãnh đạo hoặc đơn vị đã hết chỉ tiêu lãnh đạo, để thu hút họ vào làm việc, nên bổ nhiệm hàm. Những công việc mang tính chất tham mưu, tổng hợp, hoạch định chính sách, mang tính chiến lược có thể bổ nhiệm hàm. Chỉ nên bổ nhiệm hàm từ cấp vụ trở lên. Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, môi trường công tác sẽ là các căn cứ và cơ sở để đảm bảo quản lý chặt chẽ việc bổ nhiệm hàm. Điều này cũng gắn với giải quyết vấn đề bảo đảm được việc thực hiện quy định số lượng cấp phó. Song, ông Tuấn cũng không đồng tình với việc một số cơ quan tự ban hành quy định bổ nhiệm cấp hàm. Cơ quan nào tự quy định mà không đúng thẩm quyền thì quy định đó không có giá trị pháp lý - ông Tuấn nói.
Kể từ khi Bộ Nội vụ bắt đầu “động” đến việc bổ nhiệm cấp hàm, nửa năm đã trôi qua nhưng mọi việc vẫn dẫm chân tại chỗ, tất cả vẫn chỉ là “để nghiên cứu”. Mới đây nhất, tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, nghiên cứu, đề xuất phương án liên quan đến thực trạng bổ nhiệm hàm chức danh lãnh đạo quản lý tại các Bộ, ngành. Dư luận lo ngại rằng rất có thể, trong khi chờ Bộ Nội vụ nghiên cứu, ra được quy định điều kiện cụ thể, một làn sóng bổ nhiệm cấp hàm chạy trước quy định sẽ diễn ra trong các cơ quan, tổ chức và không biết chừng việc bổ nhiệm hàm cũng sẽ “lây lan” xuống đến các địa phương. Câu chuyện bổ nhiệm cấp phó, dù đã có quy định khung cứng nhưng vẫn bị vượt rào một lần nữa là bài học cho Bộ Nội vụ trong việc quy định bổ nhiệm hàm tới đây. Khi chúng ta đang nỗ lực giảm biên chế để giảm chi cho bộ máy thì việc hạn chế bổ nhiệm cấp hàm có lẽ cũng là một điều cần thiết để gánh ngân sách bớt nặng.
Chu Thanh Vân