Đặc phái viên của Thủ tướng Việt Nam đã có buổi tiếp kiến Thủ tướng Cameroon Dion Ngute để trao thư của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi Thủ tướng Cameroon, chào xã giao Chủ tịch Hạ viện Yéguié Djibril, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Lamido Aboubakary Abdoulaye; làm việc với Bộ trưởng các Bộ Quan hệ đối ngoại, Bưu chính viễn thông, Tư pháp, Việc làm và đào tạo nghề.
Tại các cuộc tiếp xúc, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Cameroon trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như nông nghiệp, viễn thông, năng lượng…; cảm ơn Cameroon ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Các lãnh đạo Cameroon đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, mong muốn thu hút nhiều hơn nữa đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam vào những lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi; cam kết Chính phủ Cameroon sẽ nỗ lực giải quyết các khó khăn và có trách nhiệm bảo vệ các lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn tại Cameroon.
Hai bên cũng đã trao đổi sâu về cơ chế hợp tác hiệu quả của Liên doanh Viettel Cameroon SA (VCR), nhà điều hành mạng viễn thông Nexttel, Viettel Global của Việt Nam và công ty Bestcam của Cameroon. Theo đó, Chính phủ hai nước sẽ hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại trong liên doanh. Liên doanh của Viettel tại Cameroon là mạng di động được Chính phủ và nhân dân Cameroon đánh giá có chất lượng dịch vụ tốt, có độ phủ sóng rộng nhất tại Cameroon với trên 90% lãnh thổ cả những vùng sâu vùng xa mà các nhà mạng nước ngoài khác không tới được, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Nhân dịp này, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, sớm hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định khung hợp tác giữa hai nước và đẩy nhanh tiến độ đàm phán để ký kết Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Cameroon là quốc gia có vị trí quan trọng và nền kinh tế lớn nhất tại khu vực Trung Phi, đầu tầu kinh tế của Cộng đồng Kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC). Cameroon có nền chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 3,8%. Cameroon là một trong mười đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại châu Phi với kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 219,7 tỷ USD. Việt Nam đang triển khai 4 dự án đầu tư trực tiếp tại nước này với tổng số vốn hơn 1 tỷ USD trong các lĩnh vực viễn thông, thuỷ điện, xi-măng... Việt Nam và Cameroon đang nghiên cứu khả năng tăng cường hợp tác nông nghiệp trong thời gian tới.