Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Đảm bảo an ninh, tính bền vững trong phát triển năng lượng

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách về phát triển năng lượng

Trình bày thuyết minh về Dự thảo kế hoạch chi tiết và đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết: Mục đích của Dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết nhằm đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021; phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Tạ Đình Thi, đoàn giám sát đã lựa chọn và đề xuất 6 nhóm vấn đề nổi bật trong lĩnh vực năng lượng hiện nay để tập trung giám sát và xây dựng báo cáo. Mỗi nội dung sẽ có các yêu cầu cụ thể, chi tiết đối với từng đối tượng giám sát, theo tất cả các phân ngành năng lượng.

Về cung cầu và an ninh năng lượng: Khả năng cung cấp, nhập khẩu năng lượng; thị trường năng lượng, các vấn đề kinh tế, tài chính năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Về quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng: Tổng thể quy hoạch phát triển năng lượng, sự phối hợp, liên kết giữa các quy hoạch và đánh giá cụ thể đối với từng quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện, Quy hoạch than, Quy hoạch dầu khí.

Về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính: Tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, phát thải khí nhà kính, quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải, khả năng đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon trong thời gian tới, các giải pháp đã đạt được và khả năng đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Về khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng: Tình hình thu hút đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển ngành cơ khí năng lượng; nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; công tác đào tạo, sử dụng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, nội dung phát triển năng lượng rất rộng lớn, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế, bao gồm nhiều ngành kinh tế lớn như điện, than, dầu nên cần phát triển hài hoà chứ không nên tập trung vào một lĩnh vực. 

Về đề cương báo cáo các đối tượng chịu giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật phát triển năng lượng, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá việc ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng; bổ sung tồn tại, hạn chế đối với cơ chế khuyến khích năng lượng nhưng chưa phù hợp với luật, pháp lệnh hiện nay như Luật Điện lực, Luật Giá…

Ngoài ra, đề nghị bổ sung công tác chỉ đạo việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển đối với các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời, đánh giá việc thực hiện các chỉ đạo của cơ quan quản lý đối với phát triển năng lượng; đánh giá hiệu quả việc ban hành văn bản của các tập đoàn, tổng công ty đã tháo gỡ cho quá trình thực hiện chính sách phát triển năng lượng như thế nào trong bối cảnh nhu cầu về điện tăng cao…

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của tổ giúp việc Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, nhưng lưu ý, Đoàn giám sát phải tập trung vào một số vấn như: Vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay như thế nào, có cần xem xét điều chỉnh chính sách hay không, vì mỗi thời kỳ đều có “sứ mệnh riêng”. Việc thực hiện chuyển đổi năng lượng phải tập trung các vấn đề về đảm bảo an ninh năng lượng, mỗi thời kỳ có thay đổi riêng phải có điều chỉnh phù hợp.

Vấn đề thứ hai là chuyển đổi năng lượng liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Về chuyển đổi năng lượng cơ hội nhiều nhưng thách thức rủi ro cũng lớn làm sao tận dụng được cơ hội, khắc phục được rủi ro...Vấn đề thứ ba là chính sách năng lượng, ở nước ta phải tạo ra một thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Cụ thể chính sách liên quan đến phát triển, khuyến khích thu hút đầu tư trong phát triển năng lượng, bao gồm có cả vấn đề giá và phí.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, một lĩnh vực quan trọng nữa là chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng, xem vấn đề trọng tâm là tập trung xem xét và rà soát vào vấn đề gì? Ngoài ra, chính sách huy động, quản lý các nguồn lực để đầu tư hạ tầng trong phát triển năng lượng được triển khai ra sao, các thành phần kinh tế tư nhân khuyến khích như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý làm rõ thêm về chính sách tiết kiệm năng lượng, khắc phục nguồn cung năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng; vấn đề thị trường năng lượng cạnh tranh, chính sách mua bán điện trực tiếp còn đang vướng mắc… Quan trọng nhất là vừa bảo đảm an ninh và tính bền vững trong phát triển năng lượng. 

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, đại diện Đoàn giám sát trình bày các văn bản liên quan. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trình bày tóm tắt các nội dung cơ bản Kế hoạch của Đoàn Giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Ủy ban Thường vụ vừa cho ý kiến vào 3 chuyên đề giám sát, vừa có tính khái quát, vừa cụ thể. Ông Vinh cho hay, phiên thứ nhất của Đoàn giám sát đã quán triệt tinh thần chỉ đạo chung của Chủ tịch Quốc hội: Giám sát trên tinh thần hết sức xây dựng, giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; đồng thời phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng, đó mới là giám sát; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước, đó mới là mục tiêu của giám sát.

Ngày 16/9/2022 Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận số 341 kiểm tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Vì vậy, kế hoạch của Đoàn giám sát đảm bảo bám chắc nội dung Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014 – 2022;  Nghị định số 69 ngày 25/5/2017 về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định 404 ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Công văn số 336 ngày 16/10/2020 thông báo kết quả kiểm toán năm 2020 niên độ 2019; hiện nay đang tiến hành kiểm toán của năm 2021, 2022; thành viên là lãnh đạo Kiểm toán sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Đoàn giám sát. Đồng thời nghiên cứu các tài liệu giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2010 về việc thực hiện chính sách pháp luật bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; năm 2013 về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

Đoàn giám sát phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu độc lập đánh giá dư luận xã hộị, có Báo cáo kết quả điều tra xã hội học về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; kế thừa kinh nghiệm của các đoàn giám sát triển khai thời gian qua, trong chương trình, sẽ phối hợp xây dựng phóng sự, phim minh họa báo cáo kết quả chuyên đề giám sát. Đồng thời, hạn chế mức thấp nhất làm ảnh hưởng đến hoạt động, chương trình công tác của các bộ, ngành, địa phương; nhất là chủ động lên chương trình, dự kiến về thời gian, gửi các cơ quan, lãnh đạo các cơ quan tham gia Đoàn giám sát để vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính của cơ quan nơi công tác và tham gia hiệu quả các nội dung được phân công của Đoàn giám sát.  

Đoàn giám sát sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, tối đa, trình xin ý kiến tại Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 ngày 27/9 tới đây, sau đó kịp thời triển khai theo kế hoạch. Trong đó xác định rõ phạm vi, giai đoạn, đối tượng; căn cứ để đánh giá; nghiên cứu khảo sát phải chọn các điển hình, đặc thù...vùng kinh tế, xã hội khác nhau; làm rõ mỗi bộ ngành, địa phương tập trung chủ yếu vào việc gì; những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương. Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới. 

Đoàn giám sát sẽ kịp thời có báo cáo về tiến độ, rà soát các vấn đề phát sinh và có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giám sát, thậm chí có những vấn đề còn phải điều chỉnh về chương trình, kế hoạch vì quá trình làm có thể phát sinh những vấn đề mới, có vấn đề cần phải mở rộng, đi sâu hơn.

Ngay sau buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã phát biểu bế mạc Phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương và khoa học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra; đồng thời đề nghị Tổng thư ký Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương hoàn thành các kết luận, thông báo kết luận để chuẩn bị cho Phiên họp tháng 10 và chuẩn bị tích cực cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đỗ Bình (TTXVN)
Quốc hội sẽ xem xét thí điểm đấu giá biển số ô tô
Quốc hội sẽ xem xét thí điểm đấu giá biển số ô tô

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật chiều 22/9, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN