Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã có những trao đổi để làm rõ hơn về những kết quả, thành tích trên các mặt công tác Công an và phương hướng nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong thời gian tới.
Phát huy hơn nữa kết quả đảm bảo an ninh trật tự trong năm 2021
Năm 2020, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương bảo vệ an ninh, an toàn tuyệt đối các hoạt động, sự kiện chính trị quan trọng; đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Vậy nhìn lại kết quả nổi bật của lực lượng Công an, Bộ trưởng có những chia sẻ gì?
Năm 2020, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức lớn, song cũng là năm ghi dấu ấn đặc biệt với lực lượng Công an nhân dân, toàn lực lượng đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác đã đề ra.
Nổi bật là: Lực lượng Công an đã làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách lớn trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự; xử lý có hiệu quả những vấn đề quốc tế, khu vực liên quan đến lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam. Công tác bảo đảm an ninh quốc gia được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó đã đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện quan trọng của đất nước, nhất là Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra (tỷ lệ điều tra khám phá án đạt trên 83%, các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều nhanh chóng được điều tra làm rõ; số vụ phạm tội về trật tự xã hội giảm 6,8%; tai nạn giao thông và cháy nổ đều giảm sâu cả 3 tiêu chí...), góp phần từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh.
Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, lực lượng Công an còn là lực lượng tuyến đầu, quyết liệt trong phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ lụt, cứu nạn, cứu hộ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận đánh giá cao. Công tác xây dựng lực lượng Công an cũng có nhiều dấu ấn nổi bật, đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp trong Công an nhân dân và Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII. Lực lượng Công an tiếp tục được bố trí theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sơ", trong đó gần 45.000 cán bộ Công an chính quy đã được tăng cường về các xã, góp phần gần dân, sâu sát với nhân dân hơn, qua đó nâng cao hiệu quả công tác nắm và giải quyết tình hình ngay từ cơ sở.
Nhìn lại những kết quả nổi bật trong năm 2020 của lực lượng Công an, có thể thấy nguyên nhân của những thành công là do có sự quan tâm chỉ đạo, sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương cùng với sự giúp đỡ vô cùng to lớn của nhân dân; song song với đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Công an các cấp. Đặc biệt, là sự nỗ lực, cố gắng, tận tụy, hy sinh của các cán bộ, chiến sỹ Công an trong cả nước (Năm 2020, có 14 cán bộ Công an hy sinh, 181 đồng chí bị thương vì sự bình yên của Tổ quốc).
Qua kết quả công tác năm 2020, chúng tôi cũng thấy tính nhân văn sâu sắc, điều đó được thể hiện qua việc kéo giảm 6,8% số vụ phạm pháp hình sự (tức là có gần 4.000 người không phạm mới; gần 4.000 gia đình không bị tội phạm xâm hại; cơ quan tư pháp tiết kiệm được khối lượng lớn công sức, tiền bạc...). Điều đó cũng được thể hiện qua các vụ án đã điều tra để cảnh tỉnh, răn đe, "xử lý một người để cứu nhiều người", ví dụ như vụ án nâng khống giá thiết bị tại CDC Hà Nội, bệnh Viện Bạch Mai, các vụ án ma túy, buôn lậu... Tính nhân văn sâu sắc trong công tác Công an là vấn đề chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo phát huy hơn nữa trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Chỉ số cải cách hành chính trong Công an đạt mức cao
Người dân rất quan tâm đến việc cải cách hành chính để không còn những thủ tục phiền hà, sách nhiễu, vậy Bộ Công an quan tâm triển khai vấn đề này như thế nào?
Công tác thực hiện cải cách hành chính đã được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an coi là nhiệm vụ quan trọng, quán triệt thực hiện nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương và đã có bước chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng cơ bản của nền hành chính hiện đại.
Bộ Công an đã ban hành 14 Quyết định công bố thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, chuẩn hóa dữ liệu của 293 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; cắt giảm, đơn giản hóa 139 thủ tục hành chính. Kết quả này đã thể hiện những nỗ lực của toàn lực lượng Công an trong công tác cải cách hành chính, thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá".
Năm 2020, chỉ số cải cách hành chính trung bình của Công an các đơn vị, địa phương ở mức cao (85,78%). Kết quả đo lường về mức độ hài lòng của người dân năm 2020 cho thấy, 96,45% người dân cảm thấy hài lòng và rất hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong Công an nhân dân (tăng 9,76% so với năm 2019).
Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân để tạo nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Đến nay, các nhiệm vụ của hai dự án cơ bản đúng tiến độ. Chúng tôi sẽ quyết tâm hoàn thành trước ngày 1/7/2021. Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai việc cấp thẻ Căn cước công dân theo mẫu mới có gắn chíp điện tử, các thủ tục để cấp thẻ được đơn giản tối đa. Theo đó, người dân không phải kê khai bất kỳ biểu mẫu nào khi tiến làm thủ tục cấp căn cước, mang lại sự tiện lợi, giảm phiền hà cho người dân trong thực hiện các thủ tục này.
Đảm bảo chất lượng và tiến độ các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo
Trong công tác xây dựng pháp luật, chỉ trong một năm, Bộ Công an đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn với việc chủ trì soạn thảo 4 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua. Vậy, việc hoàn thiện thể chế pháp luật về an ninh, trật tự được Bộ Công an chú trọng như thế nào và có dự kiến gì trong năm 2021?
Trong những năm qua, nhiệm vụ xây dựng pháp luật luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an nêu trong Nghị quyết, Chỉ thị về công tác Công an hàng năm; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc; qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tại Kỳ họp thứ 9, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo 4 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua (trên tổng số 22 dự án luật trình Quốc hội theo chương trình); trong đó có những dự án luật có phạm vi điều chỉnh ảnh hưởng, tác động sâu sắc tới đời sống xã hội và được đại biểu, cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm.
Năm 2021, theo dự kiến, Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV xem xét thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được Kỳ họp thứ 10 cho ý kiến; trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV cho ý kiến 3 dự án luật, gồm: dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Cảnh sát cơ động. Đồng thời, dự kiến trình Chính phủ ban hành 18 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định, phối hợp liên ngành ban hành 3 thông tư liên tịch và trực tiếp ban hành 70 thông tư quy định về biện pháp, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự. Có thể nói, đây là khối lượng công việc đồ sộ, đòi hỏi cần phải tập trung cao độ mới có thể đảm bảo được chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!