Nhân dân đến thăm nhà làm việc của Trung ương, Bộ Chính trị trong kháng chiến chống Mỹ tại Khu di tích Đá Chông. Ảnh:Trọng Đức/TTXVN. |
Hội thảo nhằm tri ân, khẳng định công lao to lớn, cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cao nhận thức về trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ bộ đội bảo vệ Lăng, góp phần lan toả những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng Cao Đình Kiểm, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Quá trình bôn ba hoạt động cách mạng tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến rất nhiều nơi trên thế giới và trong nước. Mỗi nơi Người đến sống, hoạt động và làm việc đều để lại những dấu ấn sâu đậm, những tình cảm khó phai về công lao, sự nghiệp hoạt động cách mạng, phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống trong sáng của người cách mạng lỗi lạc. Đá Chông - K9 là một trong những địa danh như vậy.
Tháng 5/1957, trong một lần đi kiểm tra một đơn vị quân đội diễn tập, khi dừng chân nghỉ trưa, thấy địa thế nơi đây có ý nghĩa chiến lược quan trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Văn phòng Trung ương nghiên cứu xây dựng căn cứ dự phòng của Trung ương.
Ngày 15/5/1960, công trình được khánh thành. Nơi đây, Bác và Bộ Chính trị đã có nhiều cuộc họp quan trọng, bàn thảo về chiến lược cách mạng Việt Nam, thăm động viên cán bộ, nhân dân các dân tộc vùng lân cận. Đặc biệt tại đây, Bác còn dành thời gian, tình cảm đón tiếp nhiều bạn bè quốc tế thân thiết của cách mạng Việt Nam.
Năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng, để giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt và xây dựng Lăng của Người, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định lựa chọn K9 là nơi giữ gìn thi hài Bác.
Năm 1975, khi công trình Lăng hoàn thành, ngày 18/7/1975, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định đón Bác từ K9 trở về ngôi nhà vĩnh hằng giữa Ba Đình lịch sử. Khu Đá Chông được giao lại cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý, làm căn cứ dự phòng khi cần thiết. Từ năm 1995, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã tổ chức đón tiếp, phục vụ các cơ quan, đơn vị, đoàn thể Trung ương, địa phương trong cả nước đến tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Khu Di tích. Đến nay, Khu Di tích đã đón gần 55.000 đoàn đại biểu với gần 2 triệu lượt người vào tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu vực và phục vụ gần 350 buổi sinh hoạt chính trị bảo đảm tuyệt đối an toàn, chu đáo.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung khẳng định, làm rõ và sâu sắc thêm về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông - K9; những nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ bộ đội bảo vệ Lăng cùng các chuyên gia y tế Liên Xô, Liên bang Nga trong thực hiện nhiệm vụ "giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Khẳng định về giá trị của Khu Di tích Đá Chông, Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc chọn khu Đá Chông làm căn cứ của Trung ương đã được tiến hành từng bước thận trọng, xem xét kỹ càng. Xuất phát điểm của việc này chính là sự nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiến sỹ Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch - người trực tiếp canh gác, bảo vệ Bác trong những ngày Bác ốm. Sau ngày Bác đi xa, ông là một trong số chiến sỹ công an ở lại tiếp tục trông nom di sản của Bác chia sẻ: “Nhớ về những ngày Bác ốm, giờ phút cấp cứu cho Bác, những lúc Bác tỉnh lại sau mỗi lần cấp cứu, Bác hỏi han mọi việc. Chúng tôi nhớ đến những lời mà Bác như chủ động với mọi công việc, chủ động với cả sự ra đi của mình...".
Công tác bảo quản, gìn giữ lâu dài thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự giúp đỡ to lớn của các chuyên gia y tế Liên Xô, Liên bang Nga. Nhớ lại những tình cảm của các chuyên gia y tế Liên Xô trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung tướng Đặng Nam Điền, nguyên Chính uỷ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Những ngày ở Đá Chông, mỗi khi nghe tiếng gầm rú của máy bay và bom nổ ì ầm từ nơi xa vang lại, bạn lại chia sẻ với chúng ta những mất mát do kẻ thù gây ra. Sau này, khi nước nhà thống nhất, có dịp trò chuyện với các nhà khoa học y tế Liên Xô, chúng ta mới thấy hết sự hi sinh thầm lặng của bạn đối với nhiệm vụ gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh"...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục phát huy ý nghĩa lịch sử, văn hóa của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu liên quan đến việc ra đời, hình thành Khu Di tích Đá Chông; xác minh các tư liệu, hiện vật của di tích. Bên cạnh thường việc xuyên bổ sung, cập nhật các tư liệu, hiện vật, hình ảnh hoạt động của di tích, tạo lập được hồ sơ về di tích đầy đủ, khách quan, khoa học, cần bổ sung các ấn phẩm văn hoá, góp phần quảng bá, tuyên truyền về Khu Di tích với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế...