Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh: Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng là sản phẩm tập trung trí tuệ của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta, thể hiện trình độ phát triển tư duy lý luận của Đảng trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Các hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo văn kiện do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức nhằm tập hợp, phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ, hội viên nông dân, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Tham gia góp ý tại hội nghị, các nhà khoa học, đại diện Hội Nông dân các tỉnh, thành đều cho rằng, Dự thảo văn kiện Đại hội XIII Đảng đã được biên soạn rất công phu và chỉn chu. Tuy nhiên, nội dung xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 vẫn còn nhiều vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới thống nhất với quan điểm phát triển kinh tế nhanh phải gắn liền với tính bền vững. Tuy nhiên, mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước phát triển nhưng ở tiêu chí lao động qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp chỉ đạt 30-40% là quá thấp. Theo đó, lao động qua đào tạo bao gồm cả nông dân có chứng chỉ học nghề nông nghiệp từ 3 - 6 tháng cần được nâng lên từ 40 - 50% mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Ở nội dung tổ chức sản xuất nông nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, cần có giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực một cách bền vững vì thực tế thời gian qua nhiều mô hình tổ chức sản xuất đang loay hoay thử nghiệm mà chưa thể nhân rộng để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.
Góp ý vào nội dung xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến cho rằng, các mục tiêu, định hướng của dự thảo văn kiện Đại hội XIII Đảng chỉ mới tập trung vào phát triển nguồn cung sản phẩm hàng hóa mà chưa chú trọng đến phát triển quy mô thị trường, tức là kích thích tăng nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, nhu cầu thị trường tăng là động lực và cơ sở để phát triển sản xuất một cách hiệu quả, bền vững, tránh được tình trạng cung vượt cầu.
Liên quan đến vấn đề sản xuất - tiêu thụ nông sản, nhiều đại biểu cho rằng, cần có kế hoạch sản xuất - tiêu thụ cụ thể chứ không thể để nông dân sản xuất theo phong trào mà không biết nuôi trồng xong bán cho ai, ở đâu. Cụ thể, cần xúc tiến ngay việc xây dựng các sàn thương mại/chợ giao dịch nông sản điện tử và nghiên cứu dự báo nhu cầu thị trường để nông dân có kế hoạch sản xuất hợp lý.
Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, ông Phan Văn Thà, nông dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh kiến nghị cần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống cầu cảng cho các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Bởi hạ tầng giao thông quyết định đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực. Trong khi các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp, đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu lúa gạo, trái cây, thủy sản... nhưng mật độ đường giao thông còn quá thấp. Điều này dẫn đến việc ách tắc, chậm trễ và trong khâu vận chuyển, làm giảm chất lượng, giá trị nông sản. Thêm vào đó, dù là trung tâm sản xuất xuất khẩu nhưng cả khu vực miền Tây Nam Bộ chưa có cảng nước sâu, có thể đón tàu lớn khiến hàng hóa xuất khẩu phải vận chuyển bằng xe tải, ghe tàu nhỏ lên Thành phố Hồ Chí Minh vừa tốn thời gian vừa gia tăng chi phí vận chuyển, chưa kể các cầu cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng quá tải... Chính vì vậy, định hướng phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ tới cần có sự điều tiết, phân bổ hợp lý các nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu kết nối giữa các khu vực, vùng miền.
Xác định vai trò của ngành nông nghiệp và người nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội, ông Phạm Văn Lời, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương phân tích, cho dù Việt Nam trở thành nước phát triển, thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì ngành nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thời gian qua chưa đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân. Vai trò của nông dân trong tổ chức chính quyền địa phương chưa được chú trọng.
Theo ông Phạm Văn Lời, để khuyến khích nông dân tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cần có cơ sở pháp lý để xác định vai trò chủ thể nông dân. Đồng thời có chiến lược nâng cao trình độ cho người nông dân, đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, ông Điểu K’ré, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương cho rằng: Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh đến đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới có vai trò rất quan trọng. Các ý kiến đóng góp, đề xuất của đại biểu tại Hội nghị sẽ được Ban soạn thảo văn kiện tiếp thu, tổng hợp một cách đầy đủ để hoàn thiện văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.