Kết nạp đảng ở vùng "khó"
Trở về đất liền sau nhiều năm công tác từ thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), anh Lê Duy Phương (sinh năm 1992) là đảng viên trẻ sinh hoạt tại Đảng bộ xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa. Khi còn làm việc tại thị trấn Trường Sa, anh Phương đảm trách công tác văn hóa - xã hội. Trong công việc, anh luôn tự học hỏi và rèn giũa bản thân. Ghi nhận những nỗ lực phấn đấu, tháng 2/2023, dưới lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc và trong không gian thiêng liêng ở huyện đảo Trường Sa, anh Phương đã được kết nạp vào Đảng. "Khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy vinh dự và tự hào hơn bao giờ hết”, anh Phương tâm sự.
Ngoài lực lượng dân sự, trên các xã đảo của huyện đảo Trường Sa còn có lực lượng Hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là nguồn cho Đảng. Đánh giá về những thuận lợi, Đại tá Phạm Văn Thọ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 - đơn vị phụ trách Trường Sa cho biết, quần chúng công tác trong môi trường biển, đảo được trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lập trường chính trị vững vàng, có chí tiến thủ, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi là đảng viên, họ phát huy tốt vai trò, tinh thần, trách nhiệm của mình vào công việc, chức trách được giao. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ về các đơn vị công tác trong đất liền, các đảng viên này tiếp tục được phát triển tốt, được các cấp ủy Đảng bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu. "Trưởng thành trong môi trường rèn luyện khó khăn, khắc nghiệt, nhiều quần chúng ưu tú đã vinh dự được kết nạp Đảng ở nơi đảo xa theo các kế hoạch đã đề ra", Đại tá Phạm Văn Thọ khẳng định.
Công tác phát triển đảng viên được chú ý ở địa bàn miền núi, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Nơi đây dù còn nhiều khó khăn nhưng cấp ủy đã nỗ lực khắc phục. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Khánh Sơn kết nạp được 206 đảng viên (đạt 58,9% kế hoạch được giao), trong đó có 183 thanh niên; Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh kết nạp được 201 đảng viên (đạt 45,7%), trong đó có 95 thanh niên.
Được kết nạp vào Đảng tháng 12/2022, chị Bo Bo Thị Minh Thư (thôn Tà Nĩa, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) đã xác định rõ ràng con đường để bản thân trưởng thành. “Với tư cách là một đảng viên trẻ, tôi tin với những gì đã được học, sẽ góp phần phát triển quê hương miền núi giàu đẹp hơn, đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số sẽ thay đổi”, chị Minh Thư chia sẻ.
Bà Cao Ngọc Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung (huyện miền núi Khánh Vĩnh) cho biết, toàn xã có 117 đảng viên; trong đó, gần 53% đảng viên là người dân tộc thiểu số, đặc biệt có 3/117 đảng viên là người có đạo. Tỷ lệ đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số được kết nạp ngày càng nâng cao đã tiếp thêm sinh lực cho tổ chức Đảng, góp phần củng cố, tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đảng viên mới kết nạp đã phát huy vai trò tiên phong, xung kích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác, lao động và sản xuất. Nhờ đó, vị thế và vai trò của cấp ủy, tổ chức Đảng trong hệ thống chính trị ngày càng được củng cố vững chắc.
Tạo nguồn ở “điểm nóng”
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã kết nạp được 4.299 đảng viên, đạt 50,5% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ. Trong đó, tỷ lệ kết nạp đảng viên trong độ tuổi thanh niên đạt 60,55%; đảng viên nữ chiếm 48,3%; đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 7,1%; đảng viên là người có sinh hoạt tôn giáo 5,4%. Toàn tỉnh còn 8.251 quần chúng ưu tú đã học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng nhưng chưa được kết nạp.
Hiện nay, công tác phát triển đảng viên của Khánh Hòa còn nhiều hạn chế như: Một bộ phận quần chúng chưa nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đứng vào hàng ngũ của Đảng; việc thực hiện quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên đôi lúc chưa kịp thời; cấp ủy cơ sở còn lúng túng trong việc hướng dẫn và thẩm minh lý lịch; nhiều Bí thư Chi bộ thôn đã lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo hoặc trưởng thôn chưa là đảng viên nên thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong công tác vận động, tuyên truyền quần chúng. Đây cũng là khó khăn lớn ở các Đảng bộ địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số...
Bên cạnh đó, một số cấp ủy, nhất là Bí thư chưa thực sự sâu sát nắm tình hình cơ sở, bị động, lúng túng trong công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên; việc đề ra giải pháp thực hiện của một số cấp ủy thời gian qua chưa sát với tình hình thực tế, tính khả thi chưa cao. Ở một số nơi, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là ở cấp cơ sở còn mờ nhạt…
Ông Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đang triển khai quyết liệt một số giải pháp đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua như: Cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên phổ biến, quán triệt các văn bản của Trung ương, của cấp trên về công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác phát triển đảng viên; định kỳ, các cấp ủy kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phát triển đảng viên ở tổ chức Đảng trực thuộc; kịp thời biểu dương, khen thưởng, đồng thời phê bình, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm; gắn kết quả thực hiện với công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hàng năm…
Tỉnh thường xuyên và chủ động thực hiện tốt công tác phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên. Trong đó, quan tâm phát triển đảng viên trong lực lượng học sinh, sinh viên; đơn vị sự nghiệp công lập Nhà nước (lĩnh vực y tế, giáo dục), đơn vị kinh tế tư nhân, thôn, tổ dân phố; chú trọng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình phát triển đảng viên; tăng cường bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đảng viên mới kết nạp; thực hiện quy trình chuyển đảng chính thức cho đảng viên mới đảm bảo đúng thời hạn. Đây là những nguồn quần chúng ưu tú chưa được phát huy hết giá trị, số lượng đảng viên ở các đối tượng này còn rất thấp trong tỉnh Khánh Hòa…
Các giải pháp trên cần được thực hiện đồng bộ. Các cấp cần chủ động hơn trong xây dựng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về Đảng; đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động phong trào thi đua để thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia, từ đó phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giới thiệu những nhân tố tích cực, điển hình để cấp ủy, tổ chức Đảng xem xét, kết nạp.
“Để làm tốt công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên ở các lực lượng tiềm năng, lực lượng người trẻ, khi nắm được nguyên nhân vấn đề, người đứng đầu tiến hành quan tâm và giải quyết triệt để. Người đứng đầu phải sâu sát trong quần chúng, đến từng địa bàn cụ thể để lắng nghe những khó khăn của quần chúng. Từ đó, họp bàn đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn kịp thời cho quần chúng, tạo nguồn bền vững cho tổ chức. “Ở đâu người đứng đầu quan tâm về vấn đề phát triển đảng viên, ở đó công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên đạt chất lượng. Do đó, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng vào quá trình này”, ông Hà Quốc Trị nhấn mạnh.