Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, diễn ra vào sáng 1/6.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) đánh giá, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm bộc lộ những khó khăn, thách thức. Áp lực việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đã được dự báo từ khi xây dựng kế hoạch. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo điều hành và đạt được kết quả ban đầu. Tuy nhiên, hiện nay, một số việc rất quan trọng nhưng còn chậm như: Tiến độ lập, thẩm định quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành.
Cụ thể, có 92/111 quy hoạch chưa được phê duyệt trong khi thời hạn chót là trong năm 2023. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đôn đốc, chỉ đạo, đề nghị các cấp cần quyết liệt hơn, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng chậm trễ trong thẩm định quy hoạch. Đại biểu đề nghị, cần bổ sung giải pháp cụ thể hơn, tập trung chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng nêu thực tế, mặc dù hiện nay các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đang khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch, nhưng tính đến thời điểm này còn nhiều quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, dẫn đến tình trạng nhiều dự án chậm triển khai đầu tư do thiếu quy hoạch.
Theo đại biểu, các quy hoạch có tính chất chuyên ngành kỹ thuật thì không được lập mới mà thực hiện điều chỉnh, tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, quốc gia theo Nghị quyết 64 của Chính phủ ban hành ngày 6/5/2022 để tiếp tục triển khai thực hiện. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn để thực hiện tích hợp, điều chỉnh lại chưa được ban hành kịp thời, gây khó khăn cho địa phương trong việc xem xét, điều chỉnh, tích hợp các nội dung vào quy hoạch tỉnh.
Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia cũng như hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn lập quy hoạch để địa phương làm căn cứ điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch có tính chất chuyên ngành kỹ thuật, tích hợp vào các quy hoạch tỉnh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm phê duyệt quy hoạch nông nghiệp đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng; tập trung nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả theo chuỗi giá trị. Chính phủ có cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực, trong đó đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để sớm tháo gỡ thủ tục hành chính gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp; có biện pháp kịp thời trong việc chi phối, quản lý bình ổn giá kịp thời trong quản lý kinh tế.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách đầu tư, hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp vì đa số các tỉnh làm nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Chính phủ cần sớm có những chính sách đầu tư, hỗ trợ kịp thời để tạo điều kiện hơn cho những tỉnh này, tạo sự cân bằng giữa các tỉnh trong khu vực và trong cả nước, đặc biệt là hỗ trợ nông dân về con giống, cây trồng và các hướng dẫn quy hoạch vùng cụ thể, nhằm tạo đầu ra tốt hơn cho sản phẩm của nông dân, hạn chế điệp khúc “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa”.
Quan tâm đến vấn đề phát triển đô thị và chuyển dịch năng lượng, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, hoàn thành phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch 5 thành phố trực thuộc Trung ương, triển khai hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.