Đồng chí Trương Thị Mai: Nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Ngày 29/5, tại tỉnh Lạng Sơn, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi kinh nghiệm về việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Cụm các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng và Lạng Sơn.

Báo cáo đánh giá kết quả kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Cụm các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc cho thấy, từ tháng 1/2016 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các tỉnh đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Kết luận số 120 - KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa nhân dân với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân được triển khai tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực, 7/7 tỉnh xây dựng Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp. Tại vùng sâu, vùng xa, nhiều văn  bản tuyên truyền quy chế dân chủ ở cơ sở được biên soạn và dịch ra tiếng dân tộc...

Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 đã đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả tích cực ở cộng đồng dân cư trên nhiều mặt của đời sống xã hội, tạo đồng thuận trong nhân dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ gắn với vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện.

Đặc biệt, việc huy động sức dân trong hai năm 2016 và 2017 được ghi nhận với những con số ấn tượng như: Nhân dân tỉnh Lào Cai tự nguyện góp hàng chục tỷ đồng tiền mặt xây dựng nông thôn mới. Nhân dân Lai Châu đóng góp 25.497 ngày công lao động cho các công trình địa phương, hiến trên 897.000m2 đất để xây dựng nông thôn mới... Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn tiếp tục góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, qua đó khắc phục biểu hiện quan liêu cửa quyền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Đối với thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, hầu hết cơ quan, đơn vị ở các địa phương đều chủ động xây dựng kế hoạch năm, kiện toàn ban chỉ đạo, xây dựng, duy trì hòm thư góp ý, đường dây nóng... để kết nối công việc giữa chính quyền với người dân. Một số cơ quan, đơn vị đã tổ chức tốt đối thoại trực tiếp giữa thủ trưởng cơ quan, đơn vị với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, một số tỉnh, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã tổ chức hội nghị người lao động đạt tỷ lệ cao, phát huy vai trò của Ban thanh tra nhân dân, Công đoàn cơ sở trong thực hiện quy chế dân chủ. Việc đối thoại giữa doanh nghiệp với người lao động ở một số tỉnh thực hiện tương đối nghiêm túc như Lai Châu 300 cuộc đối thoại; Lào Cai tổ chức đối thoại trực tiếp tại nơi làm việc đạt 86%... Các nội dung xoay quanh vấn đề bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động và phúc lợi xã hội khác...Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đã tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định đời sống, việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp...

Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 9/1/2015 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với thực tiễn; sớm ban hành hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 60/2015/NĐ/CP đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Các đại biểu cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở sớm có hướng dẫn kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp; tăng cường tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tại địa phương...


Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao những kết quả đạt được của 7 tỉnh miền núi biên giới thời gian qua. Các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề chính đáng, bức xúc nổi cộm trong nhân dân, tăng cường cải cách hành chính, dịch vụ công được quan tâm, công khai minh bạch trong giải quyết đơn thư. Công tác phối hợp với các cấp, ngành, chính quyền địa phương được chú trọng...

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; trong đó chú trọng sâu rộng đến các đối tượng là  đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới và trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, quan tâm sâu sắc hơn nữa đến các quy định trong quy chế dân chủ; tiếp tục gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định đời sống người dân; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của cả hệ thống chính trị trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...

Với những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Ban Chỉ đạo Trung ương ghi nhận và nghiên cứu đưa vào chương trình, kế hoạch công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo đề xuất với Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho phù hợp với tình hình mới.

Quang Duy (TTXVN)
Đồng chí Trương Thị Mai thăm Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Đồng chí Trương Thị Mai thăm Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Nhân dịp Lễ Phật Đản Phật lịch 2562, Dương lịch 2018, chiều 22/5, Đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai dẫn đầu đã tới thăm Văn phòng I, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN