“Chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20”
Các nghị quyết, kết luận quan trọng này đã định hình rõ ràng diện mạo, mục tiêu, phương thức lãnh đạo, phát triển đất nước cho hai, ba thập niên tới. Trong đó, có những vấn đề đã được nhắc tới từ lâu, nay làm cho rõ hơn, với quyết tâm cao hơn, đòi hỏi phải khẩn trương hơn. Bên cạnh đó, còn có những nội dung mới, lần đầu tiên ban hành để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Để sớm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến tới hơn 11.000 điểm cầu trên toàn quốc, với sự tham dự của trên 1 triệu cán bộ, đảng viên.
Trong phát biểu chỉ đạo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị sau Hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung tiến hành ngay một số nhiệm vụ: Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6 với nhiều hình thức phù hợp, giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, thấm nhuần, từ đó đồng thuận, quyết tâm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, xuyên suốt nhiệm kỳ, đồng thời giới thiệu các mô hình, điển hình hay. Trong quá trình thực hiện, kịp thời phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt; chú trọng công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Đặc biệt, phải quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của Trung ương, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là các Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng ở Trung ương khẩn trương nghiên cứu cụ thể hóa nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6; kế hoạch triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm, lộ trình thực hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả với phương châm “chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20”; khắc phục tình trạng “nghị quyết thì rất hay nhưng mà thực hiện thì rất gay, vài năm sau xem lại vẫn còn nguyên giá trị”.
Đây là những yêu cầu hết sức đúng đắn, sát thực tế, được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hết sức đồng tình.
Người lĩnh xướng, triển khai Nghị quyết vào cuộc sống
Trong quá trình thực hiện đường lối, các nghị quyết của Đảng, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là người đứng đầu, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn.
Từ các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, có thể nhận thấy nhân tố quyết định việc triển khai có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Đảng chính là yếu tố con người, mà trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý - những người lĩnh xướng, tổ chức triển khai, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. "Muốn đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, muốn xây dựng được Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hay muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, muốn làm việc gì đi nữa, cuối cùng cũng quay trở lại vấn đề con người", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Để khơi dậy thành công sức dân và có được những bước đi, hành động rõ ràng, hiệu quả, thực chất, hiện thực hóa các mục tiêu rất cao mà Nghị quyết Đại hội XIII cùng các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 đã đề ra, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn, phải có đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, “đúng vai, thuộc bài”, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay không ít trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý, khi "có chuyện" (xảy ra sai phạm) thì đó là do anh em cấp dưới làm việc không đúng quy định pháp luật. Đáng buồn và nhức nhối là có nơi còn tình trạng sợ trách nhiệm, ngại trách nhiệm. Cán bộ vì sự an toàn của mình mà đẩy hết khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí “đẩy ra khỏi phòng mình là đẩy được, đẩy qua phòng bên cạnh cũng được”, Thường trực Ban Bí thư trăn trở.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: Cán bộ là dây chuyền của bộ máy, nếu dây chuyền không tốt, không chạy, thì động cơ dù tốt, toàn bộ máy cũng bị tê liệt, vì họ là những người đem chính sách của Đảng thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ kém thì chính sách hay mấy cũng không thể thực hiện được.
Để Nghị quyết không chỉ là những nội dung trên giấy, những chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết không thể chỉ là những chỉ tiêu, đầu việc “vẽ ra cho có”, mà mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân phải thấm nhuần, chuyển hóa thành hành động cách mạng thực sự. Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hành động.