Sáng 26/5, các đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phá sản .
Tại phiên thảo luận ở hội trường, nhiều đại biểu đã ghi nhận sự tiến bộ của dự thảo luật. Song, những vấn đề cơ bản, có ý nghĩa quyết định đối với nội dung của dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) vẫn còn khá nhiều ý kiến tranh cãi.
Hai vấn đề chính được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến là tiêu chí khi nào doanh nghiệp (DN), HTX bị coi là phá sản và trao quyền cho người lao động, đại diện tổ chức công đoàn quyền nộp đơn yêu cầu doanh nghiệp, HTX mở thủ tục phá sản.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đối với quy định người lao động phải mang tính đại diện. Ví dụ, DN có 300 người lao động mà nộp 300 đơn thì việc tòa án giải quyết rất mệt mỏi. Như vậy, không hợp lý.
Cùng quan điểm trên, theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cần có tiêu chí chặt chẽ hơn để đảm bảo áp dụng lâu dài. Ví dụ hết thời hạn 3 tháng mà DN không trả lương thì người lao động có quyền nộp đơn. Thực tế, quy định này ít khả thi vì diễn biến kinh tế hiện nay đang gặp khó khăn, nhiều DN phải kiên trì bám trụ. Thực tiễn cho thấy, người lao động sẵn sàng chia sẻ với DN, pháp luật cũng còn chế tài khác để đảm bảo tiền lương cho người lao động.
“Nếu quy định không chặt chẽ sẽ tạo cơ hội những kẻ xấu kích động người lao động khiến kiện tập thể, kéo dài. Hành động chống Trung Quốc vừa qua của một số nhóm người xấu là một bài học cho chúng ta. Vì vậy, quy định không nộp đơn trực tiếp mà nộp cho công đoàn, đoàn thể”, ông Tiến chia sẻ.
Đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) đồng quan điểm: “Quyền nộp đơn của chủ nợ, công nhân và công đoàn yêu cầu nộp phá sản 3 tháng khi không thanh toán được là chưa phù hợp. Vì thời kỳ khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhiều DN nợ lương tới 6-7 tháng, nếu quy định như vậy dễ dẫn tới gây áp lực cho doanh nghiệp”.
Tiêu chí phá sản
Theo dự luật doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản.
Đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) cho rằng, tiêu chí mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp hợp tác xã không thanh toán được khoản nợ đến hạn, tài sản không đủ thanh toán các khoản đến hạn... là chưa đầy đủ, vì còn các khoản nợ phải thu chưa thu hồi được. Vì vậy, phải tính tới khoản này mà vẫn không chi trả được thì coi là phá sản.
Các đại biểu cho rằng, cần làm rõ sự nhầm lẫn giữa mất cân đối dòng tiền, không thanh toán và mất khả năng thanh toán. Mất cân đối dòng tiền là khi nợ phải thu của doanh nghiệp, HTX quá lớn, nên số thu không đủ trang trải một số khoản chi, trong đó, có cả nợ đến hạn. Còn mất khả năng thanh toán xảy ra khi, nếu bán toàn bộ tài sản của doanh nghiệp, HTX theo giá thị trường nhưng vẫn không trả được các khoản nợ đến hạn.
Do vậy, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tế nhiều doanh nghiệp đã “chết” nhưng chưa có chỗ “chôn”, khiến việc kiện tụng kéo dài. Nếu chúng ta không sửa đổi theo luật này thì không giải quyết được thực tế này. Chúng ta phải tiếp cận vấn đề làm sao để giúp DN lành mạnh hóa tài chính, bảo đảm quyền lợi của chủ nợ. Tiếp cận vấn đề này trên dòng tiền, chứ không tiếp cận trên tài sản.
“Nhiều DN kinh doanh có lãi nhưng thực tế là vay nhiều, do quản lý dòng tiến yếu kèm. Vì vậy, luật cần răn đe việc này. Khi DN không khả năng thanh toán nữa mới tuyên bố phá sản. Ngoài ra, với những DN có cơ hội trụ lại thì phải thông qua hội nghị khác hàng, hội nghị chủ nợ... không còn con đường nào nữa mới tuyên bố phá sản”, ông Lịch cho biết thêm.
Hữu Vinh