Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thu hẹp còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (giảm đến 90%); 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; đồng thời, cho phép doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh những lĩnh vực mà luật không cấm. Đây sẽ là sự đột phá quan trọng trong việc thu hút đầu tư và cải cách thủ tục hành chính.
Giảm cơ chế xin - cho
Ngày 10/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Nội dung trọng tâm của hai dự luật này được các doanh nghiệp chú ý là giới hạn các ngành nghề cấm và hạn chế kinh doanh, đã được thống nhất thành một danh mục trong cả hai luật.
Trước đây, có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, dịch vụ… bị cấm đầu tư, kinh doanh và 6 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (giảm đến 90%); và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Cụ thể, 6 ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh quy định trong dự thảo Luật gồm: Kinh doanh các chất ma túy; Các loại hóa chất, khoáng vật; Mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã, mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; Mại dâm; Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; Các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nhận xét: “Điểm đột phá quan trọng nhất là chúng ta đã đưa ra được danh mục cụ thể, chi tiết ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trên cơ sở này, người dân, doanh nghiệp sẽ chủ động chọn lựa ngành mình có lợi thế, giảm thiểu các thủ tục hành chính dẫn đến việc xin - cho như trước đây”.
Cùng quan điểm này, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Đột phá chính là về thủ tục đầu tư mà thực chất là không còn thủ tục đầu tư với đa số các nhà đầu tư. Sau khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh, khai sinh doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp có thể tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh mà không cần làm thêm bất cứ thủ tục đầu tư nào khác”.
Tuy nhiên, theo một số đại biểu Quốc hội, cần quy định cụ thể thời gian trả lời việc cấp phép chủ trương đầu tư, để nhà đầu tư không phải chờ đợi lâu.
“Ở nhiều địa phương, khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư phải xin chủ trương đầu tư, nhiều khi việc này kéo dài đến vài tháng, khiến cho địa phương mất cơ hội đón nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, cần quy định thời gian cụ thể trả lời các nhà đầu tư, không để tình trạng nhiều dự án bị “ngâm” do chưa có chủ trương đầu tư”, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị.
Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Cách tiếp cận xây dựng Luật lần này có sự đột phá quan trọng theo quan điểm cái gì không cho phép thì đưa vào luật, từ đó người đầu tư được phép đầu tư kinh doanh những lĩnh vực gì luật pháp không cấm. Điều này tạo ra sự minh bạch, rõ ràng hơn”. Dự luật này sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 26/11 tới đây.
Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp
Hiện nay, doanh nghiệp chỉ được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan quản lý, tiến hành thủ tục bổ sung. Quy định này chỉ mang tính thủ tục hành chính, nhưng lại mang nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.
Để giảm thủ tục hành chính không cần thiết, dự án Luật Doanh nghiệp quy định, không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận kinh doanh. Như vậy, sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.
Theo các đại biểu Quốc hội, đây là điểm mấu chốt trong việc sửa luật lần này, cải cách đáng kể thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. “Quy định này sẽ giảm áp lực cho doanh nghiệp, giảm rủi ro về pháp lý cho họ, được làm những gì mà pháp luật không cấm”, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho biết.
Tuy nhiên, đa số các đại biểu cho rằng, ngoài việc tạo môi trường thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, cũng cần có các biện pháp hậu kiểm, để môi trường kinh doanh có trật tự.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Thực tế, nhiều doanh nghiệp thành lập để buôn bán hóa đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng, nợ thuế, nợ lương công nhân… Khi bị phát hiện sai phạm, nhiều doanh nghiệp giải thể luôn. Sau đó lại thành lập doanh nghiệp khác. Trong khi, quy định quản lý doanh nghiệp trong dự luật lại chưa rõ ràng, chưa có chế tài ràng buộc doanh nghiệp, điều kiện thành lập doanh nghiệp”.
Thực tế, lợi dụng sự thông thoáng của luật, nhiều nhà đầu tư chỉ muốn thành lập doanh nghiệp mới để kinh doanh, sau một thời gian hoạt động thì giải thể để tránh thanh tra, kiểm toán lại. “Cơ quan quản lý nhiều khi không biết họ ở đâu mà tìm. Do vậy, phải có những điều khoản liên quan tới công tác hậu kiểm”, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) nói thêm.
“Cần hậu kiểm, quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác hậu kiểm. Hàng năm, các doanh nghiệp phải báo tới cơ quan quản lý nhà nước những lĩnh vực mà mình đang hoạt động để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát”, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị.
Hữu Vinh