Dự và chỉ đạo Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; đại diện các bộ, ngành Trung ương và 350 đại biểu đại diện cho hơn 61.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Gia Lai.
Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và đạt được một số thành tựu quan trọng. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân hàng năm đạt 7,83%, vượt Nghị quyết đề ra.
Quy mô kinh tế tăng đáng kể, GRDP đến năm 2020 đạt 80.990 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,54 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2020 tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 36,75%, giảm 3,29% so với đầu nhiệm kỳ; công nghiệp - xây dựng chiếm 28,74%, tăng 1,97% so với đầu nhiệm kỳ; dịch vụ chiếm 34,51%, tăng 1,32% so với đầu nhiệm kỳ…
Về công tác xây dựng Đảng, cấp ủy các cấp đã chú trọng tổ chức quán triệt học tập Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy; đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức lối sống lành mạnh; từng bước tăng cường đoàn kết trong nội bộ Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Giai đoạn 2020-2025, Gia Lai đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế thị trường. Đồng thời, tỉnh phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện tốt chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số...
Phát biểu tại Đại hội, Thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng biểu dương và chúc mừng những thành tựu Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng cho rằng, nền kinh tế của tỉnh phát triển chưa bền vững, chưa có bước phát triển đột phá; thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp so với bình quân của cả nước.
Sản xuất nông nghiệp cơ bản vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, phát triển theo chiều rộng chưa có tiến bộ rõ về hình thành các chuỗi giá trị; chưa có quyết sách, cơ chế phù hợp để thúc đẩy công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch phát triển. Bên cạnh đó, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, một bộ phận người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa nhất là vùng căn cứ kháng chiến đời sống còn khó khăn; quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập…
Tán thành với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, Thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng lưu ý Gia Lai có vị trí chiến lược ở Tây Nguyên; nhiều tiềm năng, lợi thế và nằm ở vị trí trung tuyến trên tuyến hành lang Đông - Tây, có các tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối liên vùng và có sân bay, cửa khẩu quốc tế… là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển.
Với vị trí, lợi thế của mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Gia Lai cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nếp nghĩ, cách làm để phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất các tiềm năng, thế mạnh, phấn đấu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, giàu bản sắc; đưa thu nhập, mức sống của người dân ngang bằng với bình quân chung của cả nước và đến năm 2030 trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên.
Tỉnh tiếp tục đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các vùng sinh thái đặc thù; xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến sâu.
Cùng với đó, tỉnh quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng, tài nguyên nước và đất đai, nhất là đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường; tăng cường bảo vệ, phát triển rừng, phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên trên 50%; sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng và nội tỉnh. Địa phương tập trung phát triển năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến nông, lâm sản; thúc đẩy giao thương quốc tế với các nước láng giềng Campuchia, Lào và các nước tiểu vùng Sông Mê Kông…
Gia Lai là địa bàn chiến lược, do đó tỉnh cần chú trọng tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cấp ủy, tổ chức Đảng và hệ thống chính trị các cấp phải sát cơ sở, sát dân, chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện ngăn chặn kịp thời, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tỉnh đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng đề nghị mỗi đại biểu phải đề cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết vì sự nghiệp cách mạng chung, vì sự phát triển của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Gia Lai, để sáng suốt lựa chọn, bầu ra Ban Chấp hành mới gồm các đồng chí đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài, đủ năng lực và uy tín, là trung tâm đoàn kết của Đảng bộ để phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang, ý chí, nghị lực và những thành tựu đã đạt được, xây dựng Gia Lai giàu đẹp văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Theo chương trình, Đại dội diễn ra đến ngày 30/9.