Quang cảnh buổi làm việc. |
Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Long An Lê Quốc Dũng cho biết: Năm 2014, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch số 1528/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI), Nghị quyết 46/NQ-CP của Chính phủ và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn 2011-2020. Nội dung của Kế hoạch đã phân công cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong tỉnh đối với việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Qua 4 năm thực hiện, tiềm lực khoa học và công nghệ của địa phương ngày càng được nâng lên; hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo lường và thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng đã được nâng cao. Bên cạnh đó, các đề tài, dự án được triển khai rộng khắp các lĩnh vực về khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học y dược. Trong đó, nông nghiệp vẫn chiếm đa số, các thành tựu, tiến bộ khoa học và công nghệ góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới; nhiều mô hình đã được áp dụng vào sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao trình độ, mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người nông dân. Nổi bật như ứng dụng tia lazer trong san phẳng đồng ruộng, xây dựng hệ thống tưới tiêu thông minh trên cây trồng, nghiên cứu thiết kế phần mềm sổ tay ghi chép điện tử VietGAP…
Cùng với đó, công tác hướng dẫn, vận động doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được quan tâm, đã thành lập 8 tổ chức và 10 doanh nghiệp khoa học công nghệ ở địa phương. Đồng thời, khuyến khích người dân nghiên cứu sáng chế các thiết bị phục vụ cho đời sống và sản xuất thông qua các Hội thi sáng tạo kỹ thuật, tạo điều kiện cho các nhà sáng chế tham gia các hội chợ triển lãm công nghệ để quảng bá và giới thiệu sản phẩm tiếp cận trên thị trường...
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ ở tỉnh Long An vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Việc triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp phần lớn vẫn ở quy mô nhỏ lẻ dạng mô hình, chưa được nhân rộng nhiều vào quá trình sản xuất; các chương trình hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ chưa nhiều; công tác xã hội hóa về khoa học công nghệ còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ còn ít… Do đó, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ Long An khắc phục khó khăn để phát triển khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Bùi Thị Thanh đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Long An trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học công nghệ và Luật Khoa học công nghệ. Đồng thời, đề nghị tỉnh cần có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn; tiếp thu các ý kiến đóng góp của các sở, ngành, nhà khoa học…; thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp để nâng cao công tác phát triển khoa học và công nghệ.
Bà Bùi Thị Thanh cũng thay mặt Đoàn giám sát tiếp thu, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Long An để trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.