Đảng ta luôn chú trọng phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Có thể kể như: Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân…
Để làm rõ nội dung trên trong thực tế, Phóng viên TTXVN thực hiện 4 bài viết chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm về công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp tư nhân, vốn nước ngoài tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng.
Bài 1: Tự hào khi doanh nghiệp có đảng
Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng ủy các cấp, nhiều doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài đã xin thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên. Chủ các doanh nghiệp nhận thấy, sau khi có tổ chức đảng, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; qua đó, hoạt động kinh doanh, sản xuất phát triển hơn.
Doanh nghiệp xin thành lập tổ chức đảng
Được kết nạp đảng từ năm 2022, khi đang là sinh viên Đại học Huế, sau khi ra trường, anh Tô Văn Việt làm việc tại Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Trước đây, việc sinh hoạt đảng của anh Việt tại nơi cư trú gặp khó khăn do khối lượng công việc ở công ty nhiều, giờ giấc theo ca kíp. Tháng 2/2024, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất thành lập Chi bộ, anh Việt được chuyển về sinh hoạt đảng tại Chi bộ công ty.
Anh Tô Văn Việt chia sẻ, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là niềm vinh dự không chỉ của bản thân mà của cả gia đình anh. Vì vậy, anh luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, phối hợp với đồng nghiệp thực hiện đạt hiệu quả cao hơn trong công việc, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, việc chuyển về sinh hoạt đảng ngay tại công ty thuận tiện hơn trong sắp xếp thời gian. Ngoài ra, nội dung sinh hoạt đảng của Chi bộ gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh nên những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình công tác, đảng viên có ý kiến đều được Chi bộ ghi nhận, báo lên cấp trên điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Chi bộ Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (trực thuộc Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi), Bí thư Chi bộ là ông Lưu Thanh Tùng, Trưởng phòng nhân sự công ty.
Theo ông Lưu Thanh Tùng, chỉ sau hơn nửa năm Chi bộ được thành lập, số đảng viên đang sinh hoạt tại Chi bộ đã tăng từ 28 lên 48 đảng viên. Là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với nhiều hoạt động đặc thù riêng, ngay từ khi thành lập, Chi bộ gắn nội dung sinh hoạt đảng với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, đảng viên đã có nhiều ý kiến, đề xuất để cấp ủy cùng Ban lãnh đạo công ty có hướng điều chỉnh và biện pháp phù hợp.
“Từ khi được thành lập, Chi bộ đã quán triệt mỗi đảng viên phải là một “hạt nhân”, điển hình tích cực, làm cầu nối giữa Ban lãnh đạo cùng toàn thể công nhân viên để tuyên truyền, phổ biến các quy định trong công ty. Đảng viên cũng nắm bắt được tâm tư, tình cảm của cán bộ, công nhân viên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoạt động sản xuất. Qua đó, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp”, ông Lưu Thanh Tùng nhấn mạnh.
Không chỉ các công ty tư nhân thay đổi nhận thức, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn nước ngoài (FDI) đã nhận ra những lợi ích khi thành lập tổ chức cơ sở đảng. Ông Phạm Văn Hòa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, hiện nay, thành phố có 12 doanh nghiệp FDI đã thành lập tổ chức cơ sở đảng và đang hoạt động hiệu quả. Đặc thù của các doanh nghiệp FDI là có lãnh đạo là người nước ngoài, khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, chưa hiểu rõ lợi ích, hiệu quả của việc phát triển đảng trong doanh nghiệp. Vì vậy, việc vận động thành lập cơ sở đảng tại doanh nghiệp FDI phải mất nhiều tháng, nhiều năm mới thành công, nhưng khi đã thành lập được thì các tổ chức cơ sở đảng tại doanh nghiệp FDI hoạt động rất tốt, sinh hoạt hiệu quả.
Một số tổ chức cơ sở đảng tại doanh nghiệp FDI đạt nhiều thành tích xuất sắc, được nhận khen thưởng của Đảng bộ các cấp thành phố như: Chi bộ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng, Chi bộ Công ty cổ phần công nghiệp nhựa Chin Huei Đà Nẵng…
Tại Thừa Thiên - Huế, Công ty Scavi Huế (Khu công nghiệp Phong Điền, huyện Phong Điền) là doanh nghiệp có 100% vốn Cộng hòa Pháp, được thành lập từ năm 2005, hiện có hơn 6.000 lao động. Để tạo điều kiện cho người lao động là đảng viên sinh hoạt đảng và được sự đồng tình từ Ban giám đốc công ty, đầu năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền quyết định thành lập Chi bộ Công ty Scavi Huế, với 12 đảng viên.
Sau khi thành lập, Chi bộ Công ty Scavi Huế được Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền đặc biệt quan tâm, hướng dẫn cập nhật công văn, văn bản, nâng cao chất lượng sinh hoạt trong Chi bộ, củng cố tổ chức đảng.
Theo Phó Bí thư Chi bộ Công ty Scavi Huế Hoàng Ngọc Hảo, mục tiêu sắp tới của Chi bộ là ưu tiên phát triển chất lượng và lực lượng đảng viên. Chi bộ sẽ đề nghị Huyện ủy Phong Điền tiếp tục rà soát, chuyển các đảng viên đang sinh hoạt ở địa phương về sinh hoạt tại Chi bộ để thuận tiện trong hoạt động và quản lý. Qua đó, nâng cao chất lượng cũng như số lượng đảng viên trong Chi bộ, với mục đích cuối cùng là phục vụ sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát triển đảng song hành với phát triển kinh tế
Tại Quảng Nam, Công ty cổ phần Đào tạo vận tải Quảng Nam (thị xã Điện Bàn) đã xin thành lập Chi bộ ngay sau khi thành lập công ty vào tháng 4/2022 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đảng viên trong sinh hoạt.
Ông Trần Hữu Hải, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đào tạo vận tải Quảng Nam cho biết, do có nhiều đảng viên là người lao động sống xa nhà, phải sinh hoạt đảng tại địa phương nên công ty muốn có Chi bộ để thuận lợi trong sinh hoạt đảng. Hiện nay, Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ đồng thời là lãnh đạo công ty nên tập thể Chi bộ và tập thể lãnh đạo công ty luôn có sự thống nhất.
Từ khi thành lập Chi bộ, các nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng của Chi bộ đều được triển khai toàn diện, không có khó khăn, chồng chéo với công tác chuyên môn. Những chủ trương, quyết sách lớn của lãnh đạo công ty về sản xuất kinh doanh đều được Chi bộ quán triệt, tuyên truyền, các đảng viên gương mẫu thực hiện.
Việc phát triển đảng song hành với phát triển kinh doanh sẽ rất thuận lợi nếu chủ doanh nghiệp là đảng viên. Đơn cử, Đảng bộ Công ty cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước (Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) được Thành ủy Đà Nẵng tuyên dương, khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu 5 năm liền (2018-2022). Đảng bộ Công ty hiện có 3 Chi bộ, 83 đảng viên trên tổng số 1.600 lao động. Nhờ làm tốt công tác vận động, giới thiệu và bồi dưỡng quần chúng ưu tú, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ Công ty đã kết nạp được 23 đảng viên, dự kiến năm 2024 có thêm 9 quần chúng được phát triển đảng.
Theo bà Dương Thị Tuyết Hằng, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước, công tác đảng tại công ty có nhiều thuận lợi vì Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ban giám đốc điều hành công ty đều là đảng viên, đã từng giữ các chức vụ Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy. Vì vậy, Đảng bộ Công ty luôn duy trì nền nếp, chất lượng sinh hoạt đảm bảo. Đảng bộ luôn chủ động xây dựng và tổ chức triển khai các Nghị quyết đã đề ra, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt công tác; động viên, khen thưởng cán bộ, đảng viên, người lao động để họ có thêm động lực gắn bó, cống hiến lâu dài với công ty… Dù những năm qua có nhiều khó khăn, thử thách nhưng công ty luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm.
Thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có nhiều doanh nghiệp ngành dệt may hoạt động. Các Chi bộ Công ty cổ phần Vinatex Phú Hưng và Công ty cổ phần dệt may Phú Hòa An (trực thuộc Thị ủy Hương Thủy) có nhiều thuận lợi khi Bí thư Chi bộ là người đứng đầu doanh nghiệp.
Các Bí thư Chi bộ cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, từ đó thực hiện tốt quy chế làm việc, xác định rõ hơn mối quan hệ công tác giữa cấp ủy và Ban Giám đốc doanh nghiệp. Năm 2022, Chi bộ Công ty cổ phần dệt may Phú Hòa An được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chi bộ Công ty cổ phần Vinatex Phú Hưng nhiều năm liền (từ 2020-2023) đều đạt xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, riêng năm 2023, Chi bộ kết nạp 6 đảng viên mới, vượt chỉ tiêu đề ra.
Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Hương Thủy Hồ Vũ Ngọc Lợi nhận định, khi lãnh đạo doanh nghiệp đồng thời là Bí thư Chi bộ sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và Chi bộ trong chỉ đạo, điều hành. Nhờ đó, việc tuyên truyền, truyền đạt, vận động đảng viên là người lao động trở nên dễ dàng hơn. Mặt khác, các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên phát triển vững mạnh, giúp giới thiệu cho tổ chức đảng kết nạp được nhân tố trẻ, có năng lực, trình độ trong quần chúng. Vì vậy, việc hướng dẫn, tạo điều kiện để chủ doanh nghiệp vào đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được Đảng bộ các cấp thực hiện những năm qua.
Bài 2: Nhận diện khó khăn, thách thức